CHIẾN THẮNG TUA HAI
(26/01/1960)
Chiến thắng Tua Hai không chỉ giới hạn trong một trận đánh mà vượt qua không gian và thời gian, đi vào lịch sử dân tộc như là một chiến công quân sự và chính trị sáng chói của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Chiến thắng Tua Hai là một cú ra đòn chí mạng, đánh trúng vào tử huyệt của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền, làm rúng động cả bộ máy kìm kẹp của địch ở Tây Ninh, tạo thành một phản ứng dây chuyền, lung lay cả hệ thống chính quyền Sài Gòn. Khác với hình thức khởi đầu bằng một cuộc nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân trong Đồng khởi Bến Tre, đồng khởi Tua Hai là một hình mẫu sáng tạo về phương pháp cách mạng của Xứ uỷ Nam bộ trong phương thức khởi đầu cuộc nổi dậy của quần chúng trên cơ sở kết hợp hỗ trợ đấu tranh của lực lượng vũ trang để chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công. Đó là phương thức khởi đầu bằng một cú đấm quân sự có sức thối động mạnh, thúc đẩy phong trào đấu tranh toàn diện trên toàn miền, trực tiếp là ở Tây Ninh và các tỉnh miền Đông lân cận. Nếu Tây Ninh và miền Đông Nam bộ không có quả đấm quân sự Tua Hai hỗ trợ, thì phong trào nỗi dậy của quần chúng nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, phong trào đồng khởi sẽ bị chậm trễ, có thể dẫn đến tổn thất lớn.
Chiến thắng Tua Hai năm 1960 tại Tây Ninh cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre báo hiệu giai đoạn ổn định tạm thời vốn được thực hiện bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém và thủ đoạn chính trị mị dân, lừa bịp của chế độ nguỵ quyền tay sai đã hết, bước đường sụp đổ của chế độ này đã bắt đầu.
-------
I. Tình
hình những năm đầu chống Mỹ cứu nước đến trước Đồng khởi Tua Hai năm 1960
1.
Tình hình ta và địch những năm đầu chống Mỹ cứu nước đến trước Đồng khởi Tua
Hai năm 1960
Ngày 21/7/1954, Hiệp
định Genève về lập lại hoà
bình ở Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho mưu đồ trở lại thôn tính các
nước Đông Dương lần thứ hai của thực dân Pháp. Thắng lợi này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. Từ đây, miền Bắc được hoàn
toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục
cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève, củng cố hoà bình, thống nhất
hai miền Nam - Bắc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến
lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Nhưng với tham vọng bá chủ toàn cầu, để
thành lập một tập đoàn phòng thủ khu vực đủ mạnh để duy trì tự do tại Đông Nam
Á - theo như cách nói của Nhà Trắng, Mỹ
muốn biến miền Nam Việt Nam thành bức tường thành kiên cố, chốt chặn làn sóng Cộng
sản và phong trào giải phóng dân tộc đang lớn mạnh ở Châu Á. Chính vì vậy, ngay
khi Hiệp định Genève vừa được ký kết, Mỹ đã lộ rõ ý đồ xé bỏ Hiệp định khi
tuyên bố: “Mỹ không phải là bên tham
chiến trong chiến tranh (ở Đông Dương)…, (do đó) chúng tôi không phải là một bên
có những quyết định ở Hội nghị (Genève) hay
bị những quyết định ấy ràng buộc”[1].
Ý đồ của Mỹ trong việc biến miền Nam
Việt Nam thành bức tường chốt chặn làn sóng cộng sản và phong trào giải phóng
dân tộc ở Châu Á thực tế đã có từ những năm 50 của thế kỷ XX, thể hiện rõ ràng
nhất trong việc Mỹ ngầm bằng lòng cho Pháp trở lại Đông Dương năm 1945 và bao
cấp cho cuộc xâm chiếm của Pháp ở đây trong suốt 9 năm sau đó.
Khi nhận thấy thực dân Pháp sa lầy ở
Đông Dương, Mỹ từng bước loại Pháp và các thế lực tay sai thân Pháp. Trước khi Hiệp định Genève được ký
kết 2 tuần, vào ngày 07/7/1954, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam, lập làm thủ tướng bù nhìn thay cho
chính quyền Bửu Lộc thân
Pháp. Khi Hiệp định Genève được ký kết, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ xem đây là
một tai hoạ đối với nước Mỹ, một bước
giật lùi trong nền ngoại giao Mỹ và là thắng
lợi vĩ đại nhất mà những người Cộng sản giành được trong 20 năm qua. Do
vậy, để thay chân Pháp tiến hành cuộc chiến xâm lược miền Nam Việt Nam, thực
hiện chỉ đạo của chính quyền Eisenhower, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đề ra
nhiệm vụ ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh
và xây dựng một lực lượng quân sự bản sứ có thể đảm bảo an ninh nội địa với
các biện pháp, như: tiến hành bầu cử quốc hội, soạn thảo một hiến pháp cho nhà
nước thuộc địa, phế truất Bảo Đại một cách hợp pháp, gắn cải cách điền địa với
thực hiện di dân và tái định cư, trao viện trợ trực tiếp cho người Việt Nam mà
không thông qua người Pháp. Đặc biệt là sẽ không có cuộc hiệp thương vào năm
1955, cũng như không để diễn ra cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam -
Bắc Việt Nam năm 1956 (theo như các điều khoản trong Hiệp định Genève).
Tháng 9 năm 1954, Mỹ bắt đầu thực hiện viện
trợ trực tiếp cho chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Tháng 11 năm 1954, tướng
Colins - đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, chính thức đề ra kế hoạch 6 điểm, nhằm củng cố
chính quyền tay sai, độc chiếm miền Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới. Nội cát
chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Mỹ ở miền Nam Việt Nam được thành lập, với
quyền lực tập trung trong tay Ngô Đình Diệm[2].
Từ đó, Diệm ra sức xây dựng, củng cố chính quyền thân Mỹ từ trung ương đến địa
phương. Thẳng tay loại bỏ các thành phần thân Pháp, như: Bảo Đại, Nguyễn Văn
Hinh, Lê Văn Viễn, Lại Văn Sang; mua chuộc, lôi kéo những người đứng đầu các
phe nhóm trong Cao Đài Tây Ninh, Hoà Hảo bỏ Pháp, ủng hộ Diệm; đánh dẹp lực
lượng Bình Xuyên, tảo thanh các tổ chức, phe nhóm của Cao Đài Tây Ninh và Hoà
Hảo không chịu qui thuận nguỵ quyền Sài Gòn.
Song song với việc loại bỏ Pháp và
các thế lực thân Pháp, Mỹ nhanh chóng xúc tiến thực hiện chủ nghĩa thực dân mới
ở miền Nam Việt Nam .
Trong đó, cốt lõi là sử dụng Ngô Đình Diệm để xây dựng một quốc gia riêng biệt thuộc
thế giới tự do ở miền Nam Việt Nam do Mỹ chỉ huy, chia cắt lâu dài Việt Nam , phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai
miền Nam - Bắc của Việt Nam .
Nhằm thiết lập cơ sở xã hội cho sự
thống trị của mình, Ngô Đình Diệm thành lập Đảng Cần lao Nhân vị bao gồm những
tay chân cốt cán, là những tên phần tử phản cách mạng, phản bội dân tộc Việt Nam .
Đảng này thao túng toàn bộ bộ máy nguỵ quyền, chi phối tất cả các mặt chính
trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Ngoài ra, Diệm còn lập ra các phong
trào, như: phong trào cách mạng quốc gia, phong trào tranh thủ tự do; các tổ
chức lừa mị nhân dân, như: thanh niên cộng hoà, phụ nữ cộng hoà, Đảng Dân chủ
xã hội, tập đoàn công dân… Nhưng công việc trọng tâm nhất của Mỹ - Diệm là xây
dựng quân đội làm công cụ kìm kẹp, đàn áp nhân dân yêu nước và phong trào cách
mạng ở miền Nam Việt Nam .
Cùng với việc thực hiện chương trình
cải cách điền địa nhằm lấy lại những gì
Việt Minh đã đem lại cho nông dân (ruộng đất) để trả lại cho địa chủ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cự tuyệt
những đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về hiệp thương và tổng
tuyển cử, thực hiện việc trả thù cách mạng một cách đê hèn, tàn ác. Chúng mở
nhiều chiến dịch bắt bớ, bắn giết những người cựu kháng chiến nhằm khủng bố và
uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam .
Ngô Đình Diệm chia nhân dân miền Nam làm 3 loại:
- Loại A (Diệm gọi chung là Việt
cộng nằm vùng), gồm: Đảng viên Cộng sản hay những người từng tham gia kháng
chiến chống thực dân Pháp mà không tập kết ra miền Bắc.
- Loại B, gồm: Thân nhân những người
loại A và thân nhân những người đã tập kết ra miền Bắc.
- Loại C: Người không thuộc những
thành phần trên.
Từ tháng 5/1955, chính quyền Ngô
Đình Diệm bắt đầu phát động chiến dịch tố cộng, diệt cộng giai đoạn I trên toàn
miền Nam .
Hội đồng chỉ đạo tố cộng trung ương và uỷ ban chỉ đạo tố cộng ở 3 cấp tỉnh,
huyện, xã phối hợp với các lực lượng mật vụ, công dân vụ, cảnh sát, bảo an, dân
vệ và bọn đầu hàng, phản cách mạng để truy lùng những người mà Diệm gọi là Việt cộng nằm vùng, đồng thời kêu gọi
người cách mạng và yêu nước ra đầu hàng, tự thú. Bắt bớ, giam cầm và tìm cách
tiêu diệt sinh mạng chính trị của họ bằng cách bắt họ tuyên bố ly khai cộng
sản, tố cáo cộng sản, xé cờ đỏ sao vàng (cờ Tổ quốc) và cờ búa liềm (cờ Đảng
Cộng sản), xé ảnh lãnh tụ cách mạng. Những người không chịu khuất phục đều bị tra
tấn tàn nhẫn, bị thủ tiêu hoặc đày ra Côn Đảo. Chính sách tố cộng, diệt cộng không chỉ tiến hành trong nhân dân mà còn trong
cả bộ máy chính quyền và quân đội của Ngô Đình Diệm, mục đích nhằm loại bỏ
những người không cùng phe cánh với Diệm, diệt trừ những mối nguy cho quốc phòng và an ninh công cộng. Trong chiến dịch tố cộng, diệt cộng, đã có “từ 50.000 đến 100.000 người bị bắt vào các
trại giam. Nhưng nhiều người chẳng phải là cộng sản”[3];
và có “hơn 75.000 người bị giết”[4].
Ngày 29/4/1955, Diệm cho Ngô Đình
Nhu thành lập Hội đồng nhân dân cách mạng, ra tuyên cáo phế truất Bảo Đại, sau
đó tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý” để chính thức phế truất Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm làm quốc trưởng
nhờ các biện pháp gian lận vào ngày 23/10/1955. Ngày 28/4/1956, Bộ Tổng chỉ huy
quân đội Pháp ở miền Nam Việt Nam
giải thể, đến ngày 30/4/1956, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam
Việt Nam
sau gần một thế kỷ hiện diện quân sự ở đây.
Cũng như các nơi khác ở miền Nam,
tại Tây Ninh, sau khi thay chân Pháp, nguỵ quyền Sài Gòn cũng nhanh chóng xây dựng bộ máy chính
quyền tay
sai từ tỉnh đến cơ sở. Về quân sự, chúng chuyển các đơn vị
lính Pạc-ti-dăng (dân vệ) vào lính cộng hoà để thành lập các sư đoàn chủ lực,
tuyển thanh niên vào lính dân vệ. Riêng lực lượng Cao Đài Liên minh, chính
quyền ngụy tạm thời giữ nguyên hiện trạng chiếm đóng, chưa động chạm đến.
Để dọn đường thực hiện âm mưu đánh phá
phong trào cách mạng ở Tây Ninh, địch đưa một trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn
13 từ Sài Gòn lên xây dựng căn cứ ở Tua Hai, cặp lộ 22B nhằm kiểm soát đường
giao thông từ Thị xã lên Tân Biên. Sau đó triển khai lực lượng đóng đồn cấp đại
đội trong các vùng nông thôn sâu, căn cứ kháng chiến cũ như Cần Đăng, Xa Mát,
Kà Tum… để làm lá chắn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ vùng căn cứ Dương Minh
Châu, Châu Thành xâm nhập vùng đồng bằng, thị xã, thị trấn đông dân cư. Trên cơ
sở đó, từ giữ năm 1955, địch bắt đầu chiến dịch khủng bố những người kháng
chiến cũ, bao vây bắn chết đồng chí Tám Đường, Bí thư Thị ủy; bắn trọng thương
đồng chí Kinh Chi, bắt tra tấn rồi đày đi Côn Đảo. Cán bộ cách mạng một số xã
cũng bị địch bắt mổ bụng, moi gan.
Lực lượng Cao Đài của Trịnh Minh Thế lợi
dụng tình hình lực lượng cách mạng chuyển quân tập kết ra miền Bắc, đã đưa quân
lên lập đồn, đóng chốt ở Núi Bà Đen, Bàu Châu É, Vịnh, Sóc Thiết, Bàu Cỏ, Tà
Păng… Một số trung đoàn (dưới 150 tên), tiểu đoàn quân lương (trên dưới 20 tên)
lưu động đóng trong nhà dân, hoạt động trên nhiều địa bàn của tỉnh, từ vùng thị
xã, thị trấn. Tổng hành dinh vẫn đóng ở Bù Lu - Chuối Nước (huyện Bến Cầu), lực
lượng tổng cộng khoảng 2.000 tên. Lực lượng của Trịnh Minh Thế tổ chức truy
lùng, bắt bớ, bắn giết, thủ tiêu, chôn sống, mổ bụng, moi gan cán bộ kháng
chiến cũ và những người yêu nước. Hàng trăm người bị chúng giết hại, trong đó
có nhiều phụ nữ bị chúng hãm hiếp rồi sau đó giết chết. Các xã Gia Lộc, An
Tịnh, Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) là một trong những xã có đông người bị giết
hại. Thời gian này gọi là nạn Liên minh ở Tây Ninh.
Cùng với việc trả thù man rợ nói trên, quân
Cao Đài Liên minh còn cướp tài sản của dân và bắt dân đóng tiền hàng tháng 20,
30, 50 hoặc 100 đồng tuỳ theo hộ giàu nghèo. Chúng còn bắt thanh niên từ 18 đến
25 tuổi đưa về Bù Lu - Chuối Nước luyện tập quân sự, ai chống lệnh sẽ đưa đi
thủ tiêu. Chúng gom bắt dân các xã vùng giải phóng cũ như Định Thành, Ninh
Thạnh, Chơn Bà Đen… đưa ra tập trung chung quanh các đồn bót để làm hàng rào
bảo vệ.
Sau khi xây dựng và bố trí lực lượng quân
đội tại Tây Ninh, ngụy quyền Sài Gòn tìm đối sách để nắm lấy lực lượng vũ trang
Cao Đài, không để cho lực lượng này tồn tại độc lập. Thực hiện kế hoạch này,
nguỵ quyền Sài Gòn một mặt thương lượng với các lãnh tụ Cao Đài, giả vờ chấp
nhận các yêu sách của họ về quyền lợi và địa vị chính trị; mặt khác lại cho số
tay chân thân cận từ Sài Gòn lên Tây Ninh vờ lập ra một Mặt trận đối lập với
chính phủ Ngô Đình Diệm. Từ đó, lấy cớ Hội thánh Cao Đài muốn chống đối chính
quyền Sài Gòn, Diệm cho quân bao vây Toà Thánh, khống chế Hội Thánh, buộc Hộ
pháp Phạm Công Tắc qui thuận. Không chấp nhận hàng Diệm, Phạm Công Tắc chạy
sang Phnôm-Pênh (Campuchia) tị nạn. Trước tình hình đó, đa số những người lãnh
đạo Cao Đài trước đó từng hợp tác với Pháp - Nhật, trong đó có Trình Minh Thế,
đều buộc phải quy phục Ngô Đình Diệm. Để xoa dịu và tiếp tục dụ dỗ Hội Thánh,
các chức sắc, chức việc và đông đảo tín đồ, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Hiệp
ước Bính Thân với các lãnh tụ Cao Đài, hứa cho Cao Đài quyền tự trị.
Giữa năm 1956, Ngô Đình Diệm bắt đầu giai
đoạn II của chiến dịch tố cộng, diệt cộng
tàn bạo, dã man hơn giai đoạn trước, với phương châm “thà giết lầm hơn bỏ sót”.
Diệm tăng qui mô các chiến dịch càn quét của quân đội chính qui vào các vùng
căn cứ cũ, siết chặt các biện pháp kìm kẹp ở cơ sở, phát hiện Việt cộng nằm
vùng, tận diệt lực lượng cách mạng, bình định nông thôn bằng việc thiết lập các
“khu dinh điền”, kìm kẹp nhân dân từ nông thôn đến thành thị rất gắt gao. Nguỵ
quyền thiết lập các “khu dinh điền” ở các khu căn cứ kháng chiến thời chống
Pháp trước đây với ý đồ “dùng dân đẩy Việt cộng ra khỏi những chiến khu cũ”, tổ
chức đưa đồng bào miền Bắc di cư vào một số tỉnh Nam bộ (và Tây Nguyên) định cư
tập trung lập thành các “khu dinh điền”.
Ngoài việc thanh lọc, bắt giết những người
yêu nước được cách mạng tổ chức trong bộ máy chính quyền cơ sở, thay thế bằng
lực lượng mật vụ có hận thù cách mạng, bọn ác ôn khét tiếng vào chính quyền xã,
ấp nhằm chấn chỉnh tổ chức, Diệm còn chủ trương “đoàn ngũ hoá”, tổ chức “ngũ
gia liên bảo”, “tự vệ hương thôn”, thành lập “công dân vụ” nằm vùng, tuyên truyền, dụ dỗ, rún ép nhân dân, theo dõi gây ly
gián, nghi ngờ giữa các thành viên gia đình, hàng xóm, phá truyền thống tương
thân, tương ái của nhân dân ta. Mục đích cuối cùng là nhằm li gián, tách lực
lượng cách mạng ra khỏi dân để bắt bớ, bắn giết. Diệm và Nhu bắt bớ một cách
tuỳ tiện và bắn giết bất cứ người nào chúng nghi là có xu hướng Cộng sản. “Từ năm 1955 đến năm 1960, ít nhất 24.000
người bị thương tích, 80.000 người bị xử tử hay bị giết, 275.000 người bị giam
giữ, tra tấn khi thẩm vấn và khoảng 500.000 người bị giam trong các trại trung
lập hay nhà tù”[5].
Trong thực tế, những cảnh tra tấn,
giết chóc dã man, tàn khốc hơn nhiều lần so với những con số thống kê, như:
trói người bỏ vào lu, đổ nước sôi để “làm lông”, bắt phụ nữ để thay phiên nhau
hãm hiếp, rồi mổ bụng sống; có phụ nữ bị đóng đinh căng hai tay vào cọc rồi
dùng dao lóc từng miếng thịt. Để kiểm tra việc giết người, tên chỉ huy buộc
lính đi càn quét, lính biệt kích phải chặt đầu, mổ lấy gan mật, xẻo tai xỏ xâu
người bị giết để làm vật chứng báo cáo. Nhằm làm cho tay sai hăng máu để có thể
tàn sát càng nhiều càng tốt, tên chỉ huy còn bắt cấp dưới trước khi đi càn quét
phải ăn gan người, uống rượu ngâm mật người...
Trong 4 năm từ 1955 đến 1958, cả
miền Nam tổn thất 9 phần 10 tổng số đảng viên. Riêng Nam bộ có khoảng 7 vạn cán
bộ, đảng viên bị giết; gần 90 vạn cán bộ, đảng viên, nhân dân bị bắt, tù đày,
gần 20 vạn bị tra tấn thành thương tật, chỉ còn lại khoảng 5 ngàn so với 60 ngàn đảng viên trước đó[6].
Từ giữa năm 1959 đến giữa 1960, Ngô
Đình Diệm thực hiện chương trình “khu trù mật”. Cũng như các “khu dinh điền”,
“khu trù mật” chốt sâu trong căn cứ kháng chiến cũ, các tuyến chiến lược, gồm
một phần là người Công giáo di cư, một phần là dân cư tại chỗ bị dồn ép, để kìm
kẹp theo sách lược “tát nước bắt cá”. Thực chất đó là các trại tập trung trá
hình, đời sống nhân dân bị trói buộc, đói khổ, do vậy nhân dân vẫn gọi “khu trù
mật” một cách hình tượng là “khu trù mạt” hay là “khu trào mật”.
Đối với Tây Ninh, năm 1956, địch ra sức củng cố thêm ngụy quân, ngụy quyền, chuẩn
bị điều kiện đẩy mạnh chống phá Hiệp định Genève, đàn áp lực lượng cách mạng.
Chúng tăng cường tổng đoàn dân vệ quân từ 2 trung đội lên 3 trung đội, rà soát
lại hội đồng hương chính và dân vệ xã, đưa số người có ác cảm với kháng chiến
và có hận thù với cách mạng vào làm nòng cốt trong việc sửa sang, tu bổ các trụ
sở hành chính, doanh trại quân đội, làm hàng rào kẽm gai, đào hầm hố chống đột
nhập, củng cố lực lượng cơ động tỉnh, biên chế thành các tiểu đoàn, sửa lại
hoặc nâng cấp các tuyến đường Bàu Đồn đi Bời Lời, Bà Nhã, đường Cần Đăng - Bổ
Túc, lộ 22, lộ 4, lộ 6. Bọn cán bộ công dân vụ tỉnh, huyện liên tục tổ chức các
cuộc họp tuyên truyền nói xấu miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Công an, thám báo hoạt
động công khai ngày này sang ngày khác ở các xóm, ấp, rình rập, dò la tin tức,
theo dõi dấu vết cán bộ cách mạng.
Ngay sau ngày 20/7/1956, ngày tiến hành
tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc theo nội dung hiệp định Genève,
nhưng bị nguỵ quyền Ngô Đình Diệm cự tuyệt, nguỵ quân Sài Gòn đưa lực lượng
công an đội lốt công dân vụ, cán bộ thông tin tỉnh, huyện chia làm nhiều nhóm
phối hợp với lính bảo an, tề vệ tại chỗ đến các xã dùng vũ lực tập trung quần
chúng, liên tục tuyên truyền luận điệu “Bài phong, đả thực, diệt cộng, quốc gia
dân chủ”, kêu gọi quần chúng tố cộng, tố giác cán bộ nằm vùng, đồng thời rêu
rao các chính sách lừa mị cải cách điền địa, phát triển nông tín cuộc.
Sau khi ban hành luật “Bảo vệ trị an”, song
song với việc mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” mang tên Thoại Ngọc Hầu ở các
tỉnh miền Tây Nam bộ, địch chọn Tây Ninh làm thí điểm chiến dịch “tố cộng, diệt
cộng” ở miền đông Nam bộ mang tên Trương Tấn Bửu để rút kinh nghiệm triển khai
ra các tỉnh Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa.
Chiến dịch đẫm máu bắt đầu từ ngày 13/7/1956. Chúng chọn hai xã Phước Vinh và Hoà Hội làm thí
điểm.
Đây là hai xã có phong
trào đấu tranh của quần chúng mạnh nhất trong tỉnh. Sau 20 ngày chúng mở rộng chiến dịch ra
các xã Thái Bình, Ninh Điền, Trí Bình, Thanh Điền của huyện Châu Thành, sau đó
là các xã của huyện Gò Dầu, Trảng Bàng.
Để tiến hành chiến dịch “tố cộng, diệt
cộng”, trước hết địch đưa bọn công an, tình báo nổi và chìm giả dạng đội diệt
muỗi, hoặc người bán vải, bán thuốc đến tận các xã, ấp dò tin tức, điều tra cơ
sở cách mạng và tìm dấu vết hoạt động của cán bộ cách mạng. Tiếp đến, địch điều
lính chủ lực và bảo an phối hợp với tề vệ ở địa phương phát loa, dán thông báo,
cấm nhân dân ra khỏi làng, đồng thời bố trí lực lượng chốt chặn các đường ra
vào. Sau đó, chúng tập hợp quần chúng để tổ chức mít tinh, đưa “cò mồi” ra “tố
cộng”, nói xấu cộng sản, tuyên bố ly khai, xé cờ Đảng. Hàng trăm người bị bắt
cầm tù, tra tấn, có người bị đày ra Côn Đảo.
Cùng với các biện pháp đê hèn nhằm cô lập,
bêu xấu những người cộng sản, địch còn mở nhiều cuộc hành quân cấp đại đội,
tiểu đoàn càn quét vào Phước Vinh, Sóc Thiết, Lò Gò. Bọn tình báo, thám báo ở
các quận tổ chức mạng lưới mật báo trong xóm, ấp để phối hợp với bọn dân vệ xã
ngày đêm rình rập, gây không khí căng thẳng bằng cách cấm tụ tập đông người,
bắt buộc đồng bào có đám tiệc, đám ma, đám cưới phải xin phép; bắt các gia đình
có người thân đi tập kết và các gia đình cách mạng phải tập trung về các trụ sở
quận và buộc đứng ra tố cộng, tuyên bố ly khai cộng sản, xé cờ Đảng, xé ảnh Bác
Hồ, viết giấy từ con, bỏ chồng… Chúng trao giải từ 2.000đ đến 5.000-7.000đ cho
những ai chỉ điểm hoặc trực tiếp bắt được một cán bộ kháng chiến; tuyên bố
những ai chứa chấp cán bộ cộng sản sẽ bị bắt, tù đày, bị tịch thu tài sản. Địch
tuyển chọn những phần tử xấu bổ sung vào lực lượng dân vệ, ở mỗi xã tăng lên
một trung đội, biên chế đầy đủ; ở mỗi quận thành lập một tổng đoàn dân vệ gồm
một đại đội ; ở tỉnh lập một tiểu đoàn bảo an và nhiều trung đội bảo an
độc lập khác; phát triển thêm hệ thống đồn bót trên các trục quốc lộ 22, tỉnh
lộ 13, 4, mở thêm con đường từ ngã ba Đồng Pan qua Cần Đăng dài 19km, mang tên
“lộ Trần Lệ Xuân” phục vụ cho việc khai thác rừng và xé nát vùng căn cứ cách
mạng, lập phương án chuẩn bị xây dựng sân bay Tây Ninh, các cảng Bến Kéo, Bến
Sỏi cho các giang thuyền hoạt động; đo đạc, thiết kế, lên qui hoạch xây dựng
dinh quận Phước Ninh ở Bến Sỏi, dinh quận Gò Dầu (đổi tên là Hiếu Thiện) ở Bàu
Gõ, thuộc xã Lợi Thuận (Bến Cầu).
Đến cuối năm 1956, với những thủ đoạn thâm
độc, xảo quyệt và tiến hành khủng bố, trả thù những người kháng chiến cũ, đánh
phá lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh, địch đã bắt giam và diệt trên 50% cơ
sở cách mạng. Nhiều nơi như Thanh Điền, Ninh Điền của huyện Châu Thành; Phước
Thạnh, An Thạnh của huyện Gò Dầu; Gia Lộc, Đôn Thuận, Lộc Hưng của huyện Trảng
Bàng, địch đã diệt gần hết cơ sở cách mạng, một số bị bắt, một số lánh đi nơi
khác, một số ở lại nhưng không dám liên lạc với tổ chức.
Đặc biệt, từ ngày 06/5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, đặt cộng sản ngoài
vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp miền Nam, hành hình những người cách mạng không cần
xét xử. Đây là thời kỳ
cách
mạng miền Nam nói chung và Đảng bộ Tây Ninh nói riêng bị tổn thất vô cùng to lớn. Đối với Tây Ninh, nhiều chi bộ xã bị
thiệt hại nghiêm trọng, có xã chỉ còn 2-3 đảng viên, có xã không còn đảng viên.
Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên. Trại giam của
địch ở Tây Ninh chật ních những người cách mạng và quần chúng yêu nước.
Về phía ta, sau khi Hiệp định Genève
được ký kết, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tình hình mới và nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng của miền
Nam[7],
trong đó đề ra ba nhiệm vụ trước mắt của miền Nam là:
- Thi hành triệt để hiệp định đình
chiến và đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định đã ký kết.
- Chuyển hướng công tác cho phù hợp
với điều kiện hoà bình.
- Đoàn kết rộng rãi, tập hợp mọi lực
lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình, đấu tranh để đánh đổ chính phủ Ngô Đình Diệm
thân Mỹ, lập nên một chính phủ không thân Mỹ, phản đối xâm lược Đông Nam Á của
Mỹ; tán thành đình chiến và hoà bình; thừa nhận quyền tự do dân chủ của nhân
dân; tán thành tổng tuyển cử.
Tinh thần chung của Chỉ thị này là
đấu tranh chính trị hoà bình nhằm thống nhất nước nhà theo đúng nội dung tinh
thần Hiệp định Genève. Từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1956, Trung ương Đảng vẫn
kiên trì chủ trương lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng phương pháp hoà bình, đấu
tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Genève, không cho phép miền Nam đấu
tranh vũ trang, kể cả đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị dưới
mọi hình thức.
Thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, theo chỉ đạo của
Trung ương, 283 cán
bộ, đảng viên, chiến sĩ của Tây Ninh cùng một số cán bộ của Phân liên khu miền
Đông từ chiến khu Dương Minh Châu chuyển về Cao Lãnh (Đồng Tháp), khu tập kết
tạm thời 100 ngày, sau đó tập kết ra miền Bắc. Đồng thời, nhanh chóng sắp xếp
lại đội ngũ cán bộ, đảng viên tại chỗ, tổ chức chôn giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc
đấu tranh trong tình hình mới.
Tháng 10/1954, để công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thích ứng với
tình hình mới, Liên tỉnh ủy miền Đông([8]) quyết định tách Tây Ninh thành tỉnh riêng
theo ranh giới cũ([9]) và chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm
11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trọng Cát (Ba Cát) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí
Võ Văn Truyện (Tám Hoà), Phó bí thư Tỉnh ủy.
Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại xóm Lợi Hoà
Đông, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, đề ra nhiệm vụ củng cố lại tổ chức Đảng các cấp, phổ biến
phương thức hoạt động công khai, bí mật, lãnh đạo tư tưởng cán bộ, đảng viên
tránh ảo tưởng hoà bình. Cán bộ đảng viên phải tạo chỗ dựa vững chắc trong dân để xây dựng và phát triển thực lực
cách mạng. Trước mắt là rà soát cơ sở cách mạng, đồng thời lựa chọn cán bộ,
đảng viên, đoàn viên cốt cán đưa vào bộ máy ngụy quyền, hội đồng hương chính,
dân vệ, các sắc lính tạo cơ sở trong lòng địch.
Cũng trong tháng 10/1954, Xứ uỷ Nam bộ được
thành lập thay cho Trung ương Cục miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, các phong trào
đấu tranh: bảo vệ hoà bình; đòi hiệp thương tổng tuyển cử; phong trào đấu tranh
đòi dân sinh, dân chủ; phong trào cứu tế nạn nhân cuộc xung đột giữa chính
quyền Mỹ-Diệm và lực lượng thân Pháp; phong trào đấu tranh giữ ruộng đất mà
chính quyền cách mạng đã cấp cho nông dân; phong trào đấu tranh chống chính
sách “tố cộng” của Mỹ - Diệm diễn ra liên tục, quyết liệt và không ngừng phát
triển.
Tiêu biểu như cuộc đấu tranh bảo vệ
hoà bình của 50.000 đồng bào Sài Gòn diễn ra vào ngày 01/8/1954; các cuộc mít
tinh, biểu tình của 27.000 đồng bào Cần Thơ, Sóc Trăng ngày 11/8/1954, của
20.000 đồng bào Gò Công ngày 16/8/1954 để “hoan hô hoà bình”, “hoan hô hiệp
định Genève” và ủng hộ phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình của nhân dân Sài
Gòn.
Tại Tây Ninh, chào mừng thắng lợi của hiệp định, ngày 23/7/1954, hàng ngàn đồng bào huyện Bến Cầu giương cao băng cờ mừng hòa bình, dự kiến tuần hành qua Gò Dầu để phối hợp với đồng bào
ở đây tổ chức cuộc biểu tình lớn. Đến cầu Gò Dầu, đoàn người bị giặc Pháp chặn không cho qua.
Giằng co với địch đến quá trưa, nhưng không qua được phải rút về. Trong khi đó, hàng ngàn đồng bào Gò Dầu cầm biểu ngữ,
cờ đỏ sao vàng trên tay, hô to khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, địch xả súng
vào đoàn biểu tình làm hai người chết, hai người bị thương. Ngày 26/8/1954, tại
Trảng Bàng, hàng ngàn người từ các xã kéo về thị trấn thị uy, người dẫn đầu
đoàn biểu tình bị địch bắn chết và nhiều người khác bị thương.
Để đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử
và chống cuộc bầu cử quốc hội của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, toàn Nam
bộ đã phát động cuộc đấu tranh thống nhất từ ngày 20/10/1955 đến ngày
26/02/1956 với nhiều hình thức phong phú, như: mít tinh, biểu tình, đình công,
bãi thị. Chỉ trong tháng 4 và tháng 5 năm 1955, hàng vạn quần chúng đã ký tên
vào bản kiến nghị gởi cho Ủy hội Quốc tế giám sát và kiểm soát ở miền Nam, đòi
có biện pháp buộc chính quyền miền Nam phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định
Genève. Đồng thời, tố cáo những hành động bắt bớ, bắn giết, trả thù người kháng
chiến cũ, đòi bồi thường nhân mạng và tài sản. Ngày 23/10/1955, nhân dân Tây
Ninh, nhất là vùng nông thôn chống cuộc “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại,
hợp thức hoá chức vụ tổng thống của Ngô Đình Diệm bằng nhiều hình thức: tẩy
chay không đi bỏ phiếu; bỏ phiếu không hợp lệ bằng cách bấm thủng hình Bảo Đại
lẫn Ngô Đình Diệm; trì hoãn, kéo dài thời gian đến địa điểm bỏ phiếu. Nhiều
nơi, quần chúng còn bỏ vào thùng phiếu khẩu hiệu: “Đả đảo Ngô Đình Diệm, ủng hộ
Hồ Chí Minh”.
Khi Diệm tiến hành giai đoạn II của
chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình đó, Xứ uỷ Nam bộ ra Chỉ thị 4/HBC, chủ trương chấn chỉnh tổ
chức và điều lắng đảng viên, di chuyển cán bộ đảng viên từ vùng này sang vùng
khác hoạt động và đưa một bộ phận cán bộ hoạt động công khai hợp pháp. Thực
hiện Chỉ thị của Xứ uỷ, Tỉnh ủy Tây Ninh khẩn trương chuyển hướng hoạt động. Ở
từng xã, số đảng viên lộ sinh hoạt riêng trong chi bộ A. Số đảng viên mật còn
có thể hoạt động hợp pháp sinh hoạt trong chi bộ B. Mỗi chi bộ phải có chương
trình hành động cụ thể. Một số đồng chí huyện ủy viên, chi ủy viên bị lộ cũng
được chuyển vùng hoạt động. Tuy nhiên, chủ trương điều lắng cán bộ của Xứ uỷ
lại gây thêm những tổn thất nghiêm trọng ngoài dự tính, có người điều sang vùng
khác bị địch phát hiện, có cán bộ lắng thì tư tưởng sa sút, bỏ công tác.
Như vậy, từ năm 1954 đến cuối 1958,
phương châm, phương pháp đấu tranh của cách mạng miền Nam theo chỉ đạo của
Trung ương vẫn không thay đổi, mặc dù tình hình đã có những bước diễn biến hoàn
toàn khác trước, trong khi địch dùng bạo lực vũ trang để quyết tâm tiêu diệt
lực lượng cách mạng, nhưng chúng ta vẫn chủ trương đấu tranh bằng phương pháp
hoà bình. Chính vì lẽ đó, tổn thất lực lượng ta quá lớn. Tính đến cuối năm
1958, trên toàn miền Nam đã có khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên bị Mỹ - Diệm
giết hại, tính trung bình cứ từ 3 đến 5 gia đình cán bộ cách mạng thì có 1
người bị giết; 466.000 người bị bắt giam; 680.000 người bị tra tấn thành tàn
tật[10].
Để tồn tại trước sự tàn sát, khủng
bố man rợ của chính quyền Ngô Đình Diệm, lực lượng cách mạng và quần chúng phải
tìm cách đối phó để sống còn, một hành động tự vệ mang tính quần chúng rộng rãi
ở Nam bộ, bắt đầu từ cuối năm 1956, làm cơ sở tiến lên đấu tranh có vũ trang
trong những năm sau đó, mà đỉnh cao là đồng khởi 1960.
Dù chủ trương vũ trang tự vệ chưa
được sự nhất trí của Xứ uỷ Nam bộ, nhưng phong trào được cấp uỷ cơ sở và cấp
huyện đồng tình, cấp uỷ tỉnh và liên tỉnh lờ đi hoặc cho qua. Những cuộc vũ
trang tự vệ nhỏ lẻ diễn ta khắp nơi, trừng trị nhiều tên ác ôn khét tiếng, làm
cho chúng khiếp sợ, không dám lộng hành như trước. Một số địa phương, quần
chúng tự thành lập lực lượng vũ trang, lấy danh nghĩa đội dân canh, đội chống
trộm cướp, chống đạo tặc hoặc các hội biến tướng như tổ chức tự vệ, hương thôn
do đoàn thanh niên xã ấp làm nòng cốt để chống bọn ác ôn xâm nhập, lùng bắt cán
bộ, bắt lính, giải thoát cho nhiều cán bộ cách mạng bị chúng bắt. Khi phát hiện
bọn ác ôn, chỉ điểm, thám báo thâm nhập thôn xóm, các đội này hô hoán có ăn
cướp rồi xông ra dùng gậy gộc, dây thừng trừng trị. Một số nơi có tổ chức vũ
trang tự vệ mạnh đã trở thành vùng lõm ẩn náo cho cán bộ, đảng viên bị lộ.
Vào cuối 1956, khi lực lượng vũ
trang các giáo phái quy thuận Diệm hoặc bị tan rã, phong trào vũ trang tự vệ phát
triển mạnh, nhiều tiểu đội, trung đội, tổ vũ trang được thành lập ở Đông Nam
bộ, Tây Nam bộ và Trung bộ mang danh nghĩa lực lượng các giáo phái, do lực
lượng cách mạng, nhân dân cảm tình cách mạng làm nòng cốt. Sau khi có Đề cương
cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẫn soạn thảo và Đề án vũ trang tuyên
truyền, Xứ uỷ chủ trương khôi phục các căn cứ lõm ở Đông Nam bộ như Chiến khu
Đ, chiến khu Dương Minh Châu, đồng thời xây dựng một số đơn vụ vũ trang tập
trung do Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy, với 5 đại đội nòng cốt. Việc ra đời các đội
vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp bạo lực vũ trang có bước phát
triển. Tiêu biểu nhất cho vũ trang tự vệ thời gian này là vụ ám sát Ngô Đình
Diệm vào đầu năm 1957.
Đứng trước khó khăn của phong trào cách
mạng, nhằm
làm chuyển biến cục
diện tình hình cách mạng miền Nam, Ban Địch tình Xứ ủy giao cho Ban Địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh
tổ chức diệt Ngô Đình Diệm trong dịp Diệm lên Buôn Ma Thuột dự lễ khai mạc Hội
chợ kinh tế cao nguyên.
Ban Địch tình Tây Ninh giao đồng chí Hà
Minh Trí (Phan Văn Điền, tức Mười Thương) và Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Thị Văn, Bảy Nhanh) trọng trách này.
Cuộc ám sát Ngô Đình Diệm diễn ra ngày 22/02/1957. Sau nhiều lần điều nghiên
tình hình rất kỹ, đồng chí Hà Minh Trí đã chọn được vị trí thuận lợi trong hội
chợ để hạ sát Ngô Đình Diệm. Khi Diệm đã nằm trong tầm bắn, đồng chí Trí bình
tĩnh nổ súng, nhưng một cách vô tình, tên Đỗ Quang Công - Bộ trưởng Canh nông vào
đi rất nhanh cắt ngang tầm bắn, đỡ đạn cho Diệm. Ám sát Diệm không thành công, nhưng
đây là phát súng cảnh cáo đối với chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, gây tiếng
vang trong nhân dân, đồng thời gieo hoài nghi giữa các lực lượng nguỵ quân,
nguỵ quyền, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, việc này
khiến chính quyền Diệm nghi ngờ vụ ám sát do lực lượng giáo phái qui thuận Diệm
tiến hành.
Sau khi được quán triệt “Đề cương cách mạng miền Nam” và Đề án vũ trang tuyên truyền, trên
cơ sở tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo một số việc cần
phải làm trước mắt: Một là, nhanh chóng chuyển các đội dân canh sang đội bảo
vệ, thông báo tin. Hai là, Ban Binh vận các cấp rà soát lại cơ sở binh vận
trong lòng địch, ai còn, ai mất, có kế hoạch móc ráp, củng cố lại. Mặc khác,
nhắc nhở cán bộ, đảng viên phương châm, phương thức hoạt động bám sát quần
chúng, nhất là quần chúng lao động, phát hiện kịp thời tâm tư nguyện vọng của
quần chúng, giáo dục, phát động, đẩy mạnh đấu tranh mọi mặt.
Ngày 01/3/1957, để mở rộng vùng căn cứ và
giải quyết hậu cần, các đơn vị vũ trang của Xứ ủy đã tổ chức nhiều trận đánh
gây tiếng vang lớn, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và lấy vũ khí,
lương thực, tiền trang bị cho cách mạng. Tại sở cao su Bến Củi, ba đại đội vũ
trang, gồm đại đội Bùi Văn Dung của Bình Xuyên, Đại đội 20 Tây Ninh và đại đội
vũ trang huyện Dương Minh Châu (có 15 người), lấy danh nghĩa Bình Xuyên do đồng
chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy đã tấn công địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, thu
2 xe vận tải, súng đạn, nhiều lương thực, thuốc men và 800.000 đồng.
Bên cạnh đó có cuộc nổi dậy của quần chúng
ở Trảng Cỏ thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng vào đầu năm 1958. Anh Nguyễn
Văn Rông (Tư Bịch), trưởng ấp Trảng Cỏ bị địch nghi ngờ có quan hệ với cách
mạng, nên tổ chức vây bắt. Đồng bào Trảng Cỏ và các ấp lân cận dùng gậy gộc,
dây thừng bao vây uy hiếp địch, buộc chúng phải thả anh Rông. Sau cuộc nổi dậy
ở Trảng Cỏ, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh bị Xứ ủy thi hành kỷ luật. Nhưng
sau đó được đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy xoá kỷ luật.
Từ tháng 10/1957, khi Xứ uỷ có chủ
trương khôi phục lại các căn cứ miền Đông và thành lập Đại đội 25 - đơn vị vũ
trang đầu tiên của miền, các địa phương cũng bắt đầu khôi phục, xây dựng lại
lực lượng vũ trang và hoạt động vũ trang có tổ chức bắt đầu diễn ra. Nổi bật
nhất là trận tấn công chi khu Dầu Tiếng, vào ngày 10/8/1958, của hơn 1.500
chiến sĩ của C60, C80, C90 của Tây Ninh, Thủ Dầu Một - Biên Hoà trên danh nghĩa
lực lượng Bình Xuyên và Liên quân Cao Đài Tây Ninh. Trận đánh gây nhiều thiệt
hại cho địch.
Thời gian này, thực hiện chỉ thị của
Khu ủy về chống bắt lính, Tỉnh ủy Tây Ninh phát lệnh đồng loạt đưa lực lượng
quần chúng các xã đấu tranh chống bắt lính. Cùng một ngày, đồng bào các xã Gia
Lộc, An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Bình, Đôn Thuận của quận Trảng Bàng; Thanh Phước,
Phước Thạnh, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức của quận Gò Dầu; Thanh Điền, Trí Bình, Thái
Bình của quận Châu Thành kéo đến dinh quận đấu tranh chống bắt lính. Tiếp đó,
Tỉnh ủy chỉ đạo đưa lực lượng quần chúng ở hai xã căn cứ kháng chiến cũ là
Phước Vinh và Hảo Đước với sự hỗ trợ của đồng bào xã Thanh Điền và xã Thái
Bình, đã đấu tranh trực diện với quận trưởng Phước Ninh[11].
Hàng trăm người tràn vào dinh quận, quận trưởng Phước Ninh là Tô Kim Huê hoảng
sợ, trốn dưới gầm bàn. Đây tuy là cuộc đấu tranh bạo lực chính trị dựa trên lực
lượng hùng hậu của quần chúng nhân dân nhưng đã giành được thắng lợi lớn, tạo
điều kiện, tiền đề cho một cao trào cách mạng đang lên, tiến tới hoạt động vũ
trang cách mạng của Tây Ninh.
Trước những hành động điên cuồng khủng bố,
tàn sát những người yêu nước của địch bằng luật 10/59, lòng căm thù Mỹ - Diệm của nhân dân ngày
càng lên cao, không muốn chỉ đấu
tranh chính trị đơn thuần mà phải đánh đổ kẻ thù bằng bạo lực vũ trang. Má tư Tiết đã nói vào máy
thu thanh mong muốn “Bác Hồ cho bộ đội về đánh địch cứu miền Nam”. Bà con xã
Phước Vinh làm bản kiến nghị với 150 chữ ký, ghi rõ họ tên gởi ra Trung ương để
Bác Hồ xin được vũ trang đánh địch ([12]).
Không thể bó tay để địch bắt bớ, tra tấn,
bắn giết cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mãi được. Tại Hội nghị Bàu Rã, đại diện
Xứ ủy đã mở đường cho tỉnh, huyện với chủ trương khi cần thiết để đẩy phong
trào lên, có thể phối hợp với bạo lực vũ trang. Tinh thần đó như một làn gió
thổi ngọn lửa cách mạng đang rạo rực. Ngay lập tức, Huyện ủy Châu Thành chủ
trương diệt ác. Trong một đêm, 12 tên ác ôn ở 10 xã bị diệt bằng rựa làm địch rúng
động. Nhân dân phấn khởi vì thời cơ cách mạng đã đến.
Ở An Tịnh, huyện Trảng Bàng, đồng chí Hồ
Văn Đông, nội tuyến của ta ở bót Suối Sâu, được sự chỉ đạo của cấp ủy, đồng chí
đã mưu trí điều động lính trong bót mang theo vũ khí đi dã ngoại. Nhân đó tổ
chức trừng trị những tên ác ôn, thu toàn bộ vũ khí giao cho cách mạng.
2. Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - bước ngoặc
của phong trào cách mạng miền Nam
Trong khi phong trào cách mạng miền Nam nói
chung, Tây Ninh nói riêng đang trong tình thế dầu sôi, lửa bỏng, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (Khoá II) đã tiến hành Hội nghị lần thứ 15. Đợt 1 của hội nghị
diễn ra từ ngày 13/01 đến ngày 22/01/1959; đợt 2 diễn ra vào đầu tháng 7/1959. Về
tình hình nhiệm vụ sắp tới của cách mạng, Hội nghị tập trung bàn bạc về phương
pháp cách mạng để giải phóng miền Nam.
Qua phân tích tình hình miền Nam và trên cơ
sở dự thảo đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn cũng như qua thực
tiễn đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, tháng 7/1959, Hội nghị đã ban
hành Nghị quyết, trong đó đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, đó là:
“1-
Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong
kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân
tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống
nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
2-
Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ
xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay
sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc, dân chủ ở miền
Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống
của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc
lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Về phương hướng phát triển của cách
mạng miền Nam, Nghị quyết xác định: “ngoài
con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để tự giải
phóng” và “con đường phát triển cơ
bản của nhân dân miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”; “
Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy
sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu,
kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong
kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Để ban hành Nghị quyết Hội nghị lần
thứ 15, Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khoá II) đã bàn bạc, thảo luận về tình
hình cũng như yêu cầu bức xúc của cách mạng miền Nam và những nhiệm vụ, phương pháp cách
mạng để giải quyết tình hình đó. Trong hội nghị đã xuất hiện ba luồng ý kiến,
đó là:
- Luồng ý kiến thứ nhất, phải tiến
hành đấu tranh vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa.
- Luồng ý kiến thứ hai, không đồng ý
tiến hành đấu tranh vũ trang mà phải tiếp tục dựa vào pháp lý Hiệp định Genève,
đấu tranh bằng phương pháp hoà bình.
- Luồng ý kiến thứ ba: phải khởi nghĩa
vũ trang nhưng phải tiến hành từng bước.
Do có những luồn ý kiến khác nhau và
các ý kiến đều có lý, nên trong đợt 1 của Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí
mục tiêu giải phóng miền Nam
nhưng không thống nhất về phương pháp tiến hành. Đến đợt 2, qua thực tiễn đấu
tranh vũ trang ở miền Nam
diễn ra thắng lợi, Hội nghị đã thống nhất cao về phương pháp vũ trang cách mạng
và thông qua để ban hành nội dung Nghị quyết 15.
Trên tinh thần công điện của Ban Bí
thư Trung ương Đảng thông báo nội dung Nghị quyết 15, tháng 11/1959 tại Trảng
Chiêng (Rùm Đuôn, Bắc Tây Ninh), Xứ uỷ họp Hội nghị lần thứ tư mở rộng đến Bí
thư các Liên Tỉnh uỷ để triển khai Nghị quyết này. Hội nghị lần thứ tư của Xứ
uỷ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với cách mạng miền Nam, là sự khởi
đầu cho giai đoạn chuyển biến toàn diện về phương hướng, nhiệm vụ, phương thức
đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
Cùng với triển khai, quán triệt, Hội
nghị Xứ uỷ còn bàn biện pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt
của cách mạng miền Nam là “giữ vững và
đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi
và mạnh mẽ của quần chúng làm chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang
tuyên truyền để chống chính sách khủng bố tàn bạo, chính sách bóc lột, vơ vét
của Mỹ-Diệm, ngăn chặn và đẩy lùi từng bước mọi chính sách của địch, đẩy địch
vào thế bị động, cô lập hơn nữa về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới
đánh đổ chế độ Mỹ-Diệm, ra sức củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng cách
mạng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị sẵn sàng nắm lấy thời cơ đánh
bại hoàn toàn kẻ địch” ([13]).
Là địa bàn đứng chân của Xứ ủy Nam
bộ, tháng 12/1959, một số đồng chí cán bộ chủ chốt của Tây Ninh đã được Xứ ủy
phổ biến nội dung Nghị quyết 15, vì Xứ ủy chủ trương chưa được phổ biến rộng
rãi, phải giữ bí mật, tạo thế bất ngờ tấn công một cứ điểm quan trọng mở màn
cho cuộc chuyển biến giai đoạn cách mạng.
II.
Đồng khởi Tua Hai năm 1960 - tiếng pháo hiệu của phong trào đồng khởi Nam bộ
1.
Tua Hai - cứ điểm quan trọng được chọn đánh mở màn cho cuộc chuyển biến giai
đoạn cách mạng ở miền Nam
Thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí
Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy chỉ đạo đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng ban Quân
sự Miền đề ra phương án để đánh cho được một trận chấn động, mở màn cho nhân
dân đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền ở nông thôn.
Ban Quân sự Miền đề ra hai phương
án:
Thứ
nhất, đánh từ 1-2 quận lỵ và 4-5 cứ điểm, lực lượng vũ trang đủ sức đảm
nhiệm.
Thứ
hai, đánh căn cứ Tua Hai. Tuy lực lượng vũ trang chưa từng đánh trung đoàn
địch, nhưng tin tưởng phấn đấu, nỗ lực cao sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Phương án đánh Tua Hai được đồng chí
Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy chấp thuận và động viên lực lượng vũ trang chuẩn
bị chu đáo, đánh chắc thắng, giành thắng lợi lớn. Quyết định đánh Tua Hai của
Xứ uỷ nhằm đánh một đòn chiến lược, làm địch bị thối động, thúc đẩy phong trào
khởi nghĩa vũ trang, chuyển phong trào cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới.
Một trong những khả năng giành thắng
lợi khi đánh Tua Hai là chúng ta có sự hỗ trợ từ các cơ sở cách mạng trong lòng
địch. Từ đầu năm 1958, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Châu Thành,
Ban Binh vận huyện đã cài cắm, xây dựng cơ sở nội tuyến trong trung đoàn 39, sư
đoàn 13 ngụy đang chốt giữ Tua Hai. Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác binh vận
những năm trước, Ban Binh vận huyện Châu Thành đề ra những biện pháp, phương
thức và nguyên tắc chắc chắn, tuyệt đối bí mật trong công tác điều tra, tuyên
truyền, xây dựng cơ sở và tổ chức đấu tranh, đảm bảo an toàn cho cán bộ vị trí,
cơ sở mật giao, nội tuyến, tạo thế đứng vững chắc trong lòng địch.
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian
ngắn, cán bộ mật giao lần lượt bám được thành Lam Sơn - Tua Hai. Một số cán bộ
vị trí, mật giao tạo được vỏ bọc hợp pháp như mở tiệm may, làm ruộng, rẫy ở Tua
Hai. Tháng 3/1958, đồng chí Võ Đức Tỏ, cán bộ mật giao, mở tiệm may trước cổng
thành Lam Sơn và đồng chí Huyền đã tổ chức được ba cơ sở nội tuyến là con em
cán bộ cách mạng, có người thân tập kết ra Bắc, gồm: Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy,
do Nguyễn Kúc làm tổ trưởng.
Các cơ sở nội tuyến lãnh đạo các
phong trào đấu tranh chống luyện tập, gây mất trật tự quân ngũ, đấu tranh đòi
cải thiện đời sống, tạo tâm lý bi quan trong nội bộ địch và cung cấp nhiều
nguồn tin quan trọng cho cách mạng. Ngày 10/8/1958, Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy
được Ban Binh vận huyện Châu Thành kết nạp vào Đảng và được công nhận là đảng
viên chính thức. Đồng chí Nguyễn Kúc được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Chi bộ
xây dựng được Chi đoàn Thanh niên lao động trong hàng ngũ binh lính địch, gồm
30 đoàn viên, chia làm 3 phân đoàn, mỗi phân đoàn gồm 10 đoàn viên. Chính đội
ngũ đoàn viên này đã tiến hành giáo dục, giác ngộ chính trị cho khoảng 235 quần
chúng cảm tình cách mạng.
Tinh thần cách mạng và ý thức tổ
chức kỷ luật của chi bộ rất cao. Khi nghe tin cơ sở nội tuyến ở đồn dân vệ Băng
Dung, đóng ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành làm binh biến thắng lợi, Chi bộ
nội tuyến thành Lam Sơn đề nghị cấp trên cho phối hợp với lực lượng vũ trang
bên ngoài đánh diệt thành. Nhận định thời cơ cách mạng chưa chín muồi, chủ
trương này không được Tỉnh uỷ chấp thuận. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh uỷ,
chi bộ tiếp tục giữ thế bí mật hoạt động.
Đến giữa năm 1959, cơ sở nội tuyến
Tua Hai bị lộ, bị địch bắt gần hết và kết án tù từ 2 đến 20 năm tù, tất cả bị
đày ra Côn Đảo. Trong đó, cao nhất là đồng chí Nguyễn Kúc bị kết án 20 năm tù,
đồng chí Võ Đức Tỏ và đồng chí Huyền bị kết án 17 năm tù.
Nhằm triệt tiêu mối liên hệ cách
mạng của các cơ sở nội tuyến, tháng 8/1959, địch điều trung đoàn 32, sư đoàn 21
miền Tây lên Tây Ninh chốt giữ Tua Hai thay cho trung đoàn 39, sư đoàn 13.
Thành Lam Sơn (Tua Hai) cũng đổi tên là thành Nguyễn Thái Học.
Được Ban Binh vận Miền giới thiệu,
Tây Ninh đã nắm được 4 cơ sở nội tuyến cách mạng trong lực lượng trung đoàn 32,
sư đoàn 21 miền Tây. Đến tháng 12/1959, thông qua 04 cơ sở nội tuyến này, ta đã
phát triển thêm 3 cơ sở mới. Chính những cơ sở nội tuyến đã cung cấp những
thông tin đặc biệt quan trọng, phục vụ kế hoạch đánh thành Tua Hai tháng
01/1960.
2.
Tua Hai và công tác chuẩn bị cho trận đánh lịch sử năm 1960
Tua Hai (Tour 2) - đóng tại Trảng
Sụp, thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành - vốn là tháp canh số 2 nằm trên quốc
lộ 22B đi Campuchia, cách Thị xã Tây Ninh 7km về phía Bắc, được thực dân Pháp
xây dựng trong “kế hoạch De la Tour”. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm xây
dựng thành căn cứ quân sự lấy tên thành Lam Sơn, nơi đóng quân của trung đoàn
39 thuộc sư đoàn 13 quân chủ lực Ngụy, đồng thời là một trung tâm huấn luyện
quân sự của chúng. Tại Tua Hai, địch đặt một kho vũ khí lớn và được bảo vệ rất nghiêm
ngặt.
Đầu năm 1959, trước sự phát triển
lớn mạnh của phong trào cách mạng, nhất là sau khi phát hiện ta xây dựng căn cứ
Dương Minh Châu, địch tăng cường xây dựng, mở rộng qui mô thành, với diện tích
lên đến 1 km2. Để phòng vệ, địch cho đắp bờ đê cao, bố trí hệ thống
tháp canh, lô cốt, hàng rào kẽm gai xung quanh và đảm bảo lực lượng thường trực
gồm một tiểu đoàn canh gác 24/24 giờ. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng địch ở Tua
Hai là càn quét tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng; đánh phá nhằm ngăn chặn mở
rộng vùng căn cứ địa cách mạng; đánh phá các cơ sở cách mạng dọc quốc lộ 22
nhằm hỗ trợ cho các khu dinh điền kìm kẹp quần chúng.
Ngoài một trung đoàn quân thường
trực, địch tăng cường cho Tua Hai 01 đơn vị cơ giới và một đơn vị pháo binh, tất
cả đặt dưới quyền chỉ huy của một sư đoàn phó mang cấp hàm đại tá, một trung tá
trung đoàn trưởng và một Trung tá Mỹ làm cố vấn.
Mặc dù thành Tua Hai xây dựng kiên
cố, quân số đông và được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng có
nhiều điểm yếu:
- Thứ nhất, nền nếp sinh hoạt, ăn ở,
đi lại của địch có nhiều sơ hở, bố phòng không chặt, công sự, lô cốt được bảo vệ
rất sơ sài, chủ quan, thiếu kỷ luật trong tuần tra, canh gác. Do đó, lực lượng
trinh sát - đặc công của ta đã thâm nhập căn cứ địch, điều nghiên đầy đủ, chính
xác trận địa, kể cả các điểm xung yếu, chiến lược và các vị trí chỉ huy, phục
vụ đắc lực cho cuộc tiến công tiêu diệt thành Tua Hai.
- Thứ hai, tâm lí địch thời điểm này
còn chủ quan, coi thường lực lượng ta khi cho rằng cách mạng không có khả năng
đánh lớn. Trên thực tế, từ sau Hiệp định Genève, chúng ta chủ yếu vận động và
lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng con đường chính trị, hoà bình, rất kìm chế các
hoạt động vũ trang, ngoại trừ trận tập kính vào chi khu địch ở Dầu Tiếng (ngày
11/8/1958), với mục tiêu chủ yếu là nhằm giải quyết yêu cầu tiếp tế hậu cần. Do
đó, không chỉ có trung đoàn 32 của sư 21 mà tất cả lực lượng Mỹ-nguỵ không hề
tin lực lượng vũ trang cách mạng có đủ tiềm lực và ý chí để tấn công vào cứ
điểm cấp trung đoàn của chúng. Chính sự chủ quan, khinh suất, mất cảnh giác đó
của Mỹ-nguỵ nên khi đồng khởi Tua Hai được triển khai sẽ tăng cơ hội chiến
thắng, vì địch bị bất ngờ, không kịp đối phó.
- Thứ ba, để đề phòng xảy ra binh
biến, vào ban đêm, địch gom hết số súng cấp phát cho lính mới đem cất vào kho. Do
vậy, khi bị tấn công bất ngờ địch sẽ khó có thể kịp thời đảm bảo vũ khí cho
binh lính.
- Thứ tư, một điểm thuận lợi của ta
và là điểm yếu nhất của địch, đó là việc ta đã xây dựng được lực lượng nội
tuyến trong lòng địch. Dựa trên 4 cơ sở nội tuyến ban đầu, Ban chỉ huy trận
đánh đã tổ chức giáo dục, giác ngộ, tìm hiểu để đánh giá khả năng của từng
người để giao cho nhiệm vụ cụ thể.
Ban chỉ huy và Ban Binh vận đặc
trách Tua Hai tổ chức các cơ sở đơn tuyến, mỗi cơ sở có một nhiệm vụ riêng.
Việc bố trí hết sức chặt chẽ, chu đáo, giao nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng và đảm
bảo tuyệt đối an toàn hoạt động. Có người được giao nắm tình hình tư tưởng của
binh lính trong căn cứ để từ đó mà tuyên truyền, giáo dục, phân hoá hàng ngũ
địch; một số cơ sở được giao nắm chắc sơ đồ căn cứ, như: trung tâm sở chỉ huy,
khu truyền tin, trận địa pháo, vị trí kho vũ khí, hệ thống tháp canh, bót gác;
cơ sở được giao theo dõi, nắm quy luật tuần tra canh gác và quy luật hoạt động
của địch. Những thông tin do các cơ sở cung cấp đáng tin cậy và có tính chính
xác cao.
Về địa thế, cứ điểm Tua Hai nằm trên
con đường độc đạo từ Tây Ninh lên Xa Mát, thuộc địa bàn hai huyện căn cứ cách
mạng, nối liền sang Campuchia. Với địa hình rừng núi liên hoàn tạo thế cho
những cuộc hành quân bí mật của lực lượng ta vào trận địa chiến đấu.
Tua Hai là căn cứ quân sự mạnh của
địch. Quyết định tấn công tiêu diệt căn cứ Tua Hai sẽ làm lung lay tinh thần chiến
đấu của nguỵ quân, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng; hỗ trợ và thúc đẩy
phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam, tạo đà cho sự chuyển biến chiến lược
cách mạng; làm thất bại âm mưu của địch trong việc đánh phá căn cứ cách mạng;
mở rộng và tạo thế đứng vững chắc cho vùng căn cứ địa của ta; lấy vũ khí của
địch để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.
- Ban Chỉ huy trận đánh, gồm:
+ Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Tám
Kiến Quốc, Tám Vên Vên), Chỉ huy trưởng - Tư lệnh chiến trường.
+ Đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao, Năm
Xuân), Chính trị viên - Bí thư Đảng uỷ.
+ Đồng chí Lê Thanh (Tám Lê Thanh),
Chỉ huy phó - Tham mưu trưởng trận đánh.
+ Đồng chí Võ Cương (Mười Năng), Chỉ huy phó.
- Về chiến thuật và phương châm tác
chiến:
+ Trận đánh phải được đảm bảo tuyệt
đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch.
+ Kết hợp chặt chẽ đặc công, xung
kích với bộ binh ngay loạt đạn mở màn, ngay lập tức làm tê liệt, vô hiệu hoá bộ
phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn nguỵ.
+ Các mũi tấn công đánh chia cắt
địch. Đặc biệt, phải tập trung hoả lực chia cắt không cho các đơn vị nguỵ tiếp
cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào, nhằm vô hiệu hoá, hạn chế đến
mức tối đa khả năng đề kháng của chúng.
+ Nhanh chóng chiếm lĩnh kho vũ khí
của địch, tịch thu và nhanh chóng vận chuyển về căn cứ của ta để phân tán, cất
giấu, phòng địch truy kích chiếm đoạt lại vũ khí.
- Lực lượng tham gia tác chiến, gồm:
+ Đại đội 59 thiếu, Đại đội trưởng
là đồng chí Năm Nhỏ, đồng chí Nguyễn Trọng Tâm - Chính trị viên, đồng chí Sáu
Tươi - Đại đội phó;
+ Đại đội 60, đồng chí Tư Đen - Đại
đội trưởng, đồng chí Ba Hưng - Chính trị viên, đồng chí Sáu Huấn - Đại đội phó;
+ Đại đội 70, đồng chí Ba Thành -
Đại đội trưởng, đồng chí Sáu Đốn - Chính trị viên, đồng chí Năm Thu - Đại đội
phó;
+ Đại đội 80 đặc công, Đại đội
trưởng là đồng chí Ba Vinh, đồng chí Tư Luông - Chính trị viên, đồng chí Tư
Lồng - Đại đội phó;
+ Đại đội 20 Tây Ninh và một trung
đội Bình Xuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ chiến trường.
Các đơn vị mới được thành lập ở
Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu. Phương tiện trang bị cho các đơn vị
là các loại súng lạc hậu, chủ yếu là tiểu liên Thomson, MAT-49, STEN, súng
trường kiểu Anh MAS-39 và súng Carbin. Ngoài ra, xưởng Quân giới đóng ở Bà
Chiêm đã tiến hành sản xuất các loại mìn và thủ pháo (beta ném) các loại từ 2kg
đến 10kg. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã có kinh nghiệm chiến đấu,
từng tham gia vào trận đánh chi khu Dầu Tiếng (tháng 8/1958) thắng lợi.
- Về bố trí lực lượng tác chiến:
+ Cánh A: phụ trách hướng tây, gồm 2
trung đội đặc công và 1 trung đội bộ binh xung kích do đồng chí Ba Vinh làm chỉ
huy trưởng, đồng chí Ba Đen làm chỉ huy phó. Nhiệm vụ đánh trái vào sở chỉ huy
trung đoàn và tiền phương của sư đoàn 21 làm hiệu lệnh tiến công.
+ Cánh B: phụ trách hướng bắc, gồm 2
đại đội bộ binh thiếu, 1 trung đội đặc công, do đồng chí Năm Nhỏ làm Chỉ huy
trưởng, đồng chí Lòng - Chỉ huy phó, đồng chí Nguyễn Trọng Tâm - Chính trị
viên. Nhiệm vụ của cánh này là đánh vào tiểu đoàn bộ binh số 1, sau đó phát
triển tiến công về hướng trung tâm sở chỉ huy tiền phương sư đoàn 21 nguỵ.
+ Cánh C: phụ trách hướng đông, được
bố trí lực lượng mạnh gồm 3 đại đội bộ binh, 2 trung đội đặc công do đồng chí
Sáu Huấn làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Năm Gấm - Chính trị viên, đồng chí Tư Đen
- Chỉ huy phó. Nhiệm vụ của cánh quân này là đánh vào 2 tiểu đoàn bộ binh số 2
và số 3 của địch, chiếm kho vũ khí của sư đoàn 21 nguỵ.
+ Cánh D: phụ trách hướng Nam với lực
lượng gồm 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội đặc công, do đồng chí Hưng làm Chỉ
huy trưởng, đồng chí Sáu Ốm - Chính trị viên, đồng chí Bi - Chỉ huy phó. Nhiệm
vụ chính là đánh vào khu xe quân sự và xe pháo binh của địch.
+ Một bộ phận Đại đội 20 của Tây
Ninh và một trung đội công binh của Miền bố trí chốt chặn trên đường lộ 22, tại
khu vực phía Đông Nam của Quán Cơm, có nhiệm vụ ngăn chặn và đánh tiêu hao lực
lượng quân địch từ Tây Ninh lên Tua Hai tiếp ứng cho đồng bọn nếu có. Một bộ
phận khác của C20 làm nhiệm vụ dẫn đường cho mũi 3 và mũi 4.
+ Một Đại đội pháo binh được bố trí
khu vực bắc Tây Ninh, có nhiệm vụ pháo kích vào hậu cứ sư đoàn 21 nguỵ, tần
suất 10 đến 15 phút một lần nhằm kìm chế quân địch, hỗ trợ lực lượng bộ binh
của ta tiến công tiêu diệt các mục tiêu và góp phần tiêu hao sinh lực địch.
+ Một lực lượng của trung đội
(thiếu) tỉnh Bình Dương kết hợp với du kích huyện Dương Minh Châu của Tây Ninh
tấn công đồng loạt nguỵ quân đóng trên địa bàn huyện Phú Khương (huyện Hoà
Thành ngày nay) nhằm làm phân tán quân địch, chia lửa với chiến trường Tua Hai.
+ Lực lượng còn lại của trung đội
(thiếu) tỉnh Bình Dương kết hợp với du kích huyện C105 (huyện Tân Biên ngày nay) uy hiếp lực lượng
nguỵ đóng tại Kà Tum, phong toả không cho chúng đưa quân tiếp ứng cho quân nguỵ
tại Tua Hai.
Ngoài ra, theo kế hoạch hợp đồng tác
chiến, các lực lượng còn lại ở Chiến khu Đ cơ động đánh chi khu và huyện lị
Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) để thu hút địch, tạo
điều kiện cho các lực lượng của ta ở Tây Ninh tập trung đánh vào trọng tâm Tua
Hai, đảm bảo giành thắng lợi.
Lực lượng dân công hoả tuyến, tải
thương tải đạn cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự
miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến
do Tây Ninh đảm nhiệm. Đây là cố gắng rất lớn của Tây Ninh, là kết quả của quá
trình âm thầm chuẩn bị lực lượng lâu dài, bí mật của tỉnh, một thành công lớn
của công tác dân vận của Tây Ninh. Nhờ đó, khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh đã
huy động cùng một lúc 300 dân công, chủ yếu là của huyện Châu Thành và một bộ
phận hơn 42 người của huyện Dương Minh Châu với đa phần là đảng viên, đoàn viên
thanh niên và quần chúng cách mạng trung kiên.
Lực lượng của huyện Châu Thành được
huy động gồm chiến sĩ Đại đội C40 huyện và du kích, như các đồng chí Tư Bọ, Trần Việt Hồng (Chín Cư), đồng chí
Nhỏ, Phạm Việt Ngữ (Tư Ngữ, Tư Cọp), Nguyễn Văn Bạch (Hai Bạch)… cùng du kích
các xã, ấp và lực lượng cảm tình cách mạng cốt cán.
Dân công của huyện Dương Minh Châu
có 10 cán bộ, chiến sĩ huyện, gồm các đồng chí Ngô Văn Rạnh, Nguyễn Văn Dậu,
Sáu Tây, Sáu Phan, Hai Bến, Huỳnh Thanh Châu, Tư Nghĩa, Năm Thái, Sáu Thuần,
Tám Pha cùng 32 dân công là quần chúng cốt cán.
Ngoài ra, còn một bộ phận nhân viên
các cơ quan thuộc Xứ uỷ Nam
bộ.
3.
Diễn biến và kết quả trận tấn công Tua Hai ngày 26/01/1960
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy,
sau khi cung cấp đầy đủ tình hình và sơ đồ của thành Nguyễn Thái Học theo yêu
cầu của Ban Binh vận tỉnh, 4 cơ sở nội tuyến vận động gần 400 binh sĩ trung
đoàn 32, sư đoàn 21 về quê ăn tết nguyên đán. Trong đó, có một số binh sĩ được
bọn chỉ huy cho phép, còn một số không được cho phép nhưng vẫn xé rào về nhà. Hầu
hết cơ sở nội tuyến của ta cũng phải đi, mục đích là khi lực lượng vũ trang tấn
công tiêu diệt thành Nguyễn Thái Học (Tua Hai), các cơ sở nội tuyến không bị lộ
thân phận, tạo thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động sau này.
Thực hiện kế hoạch, chiến thuật và
phương châm tác chiến, lực lượng vũ trang chia thành 4 mũi hành quân vào vị trí
chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh tấn công thành Tua Hai. Trước đó, lực lượng trinh
sát đặc công đã được cơ sở nội tuyến đưa từ ngoài vào, ém sẵn trong căn cứ địch
chờ pháo lệnh.
Giờ nổ súng tấn công thành Tua Hai theo
qui định là 23 giờ 30 ngày 25/01/1960. Thế nhưng bất ngờ đã xảy ra: trước giờ
tiến công theo qui định, tình huống bất ngờ, địch nổi còi tập hợp quân số trong
căn cứ Tua Hai. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy trận đánh quyết định tạm hoãn
giờ nổ súng, xem xét lại kế hoạch trận đánh có bị lộ bí mật không. Sau khi xem
xét đánh giá mọi hoạt động của địch, Ban Chỉ huy nhận thấy kế hoạch vẫn đảm bảo
bí mật ([14]).
Đúng 0 giờ 30 ngày 26/01/1960, lệnh
tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu[15].
Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm 3
mũi: một mũi tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 32 nguỵ; một mũi tấn công vào
khu vực phòng ngủ của bọn sĩ quan địch, với 100 quả bộc phá, thủ pháo cực mạnh
đã làm tê liệt ngay từ đầu bộ phận đầu não chỉ huy của chúng; mũi thứ ba chiếm
lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương.
Trước sức tấn công của ta bằng bộc
phá, thủ pháo kết hợp với bộ binh, địch nhanh chóng tan rã. Chỉ trong vòng 03
giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lực lượng dân công theo sát các
đơn vị chiến đấu đã có mặt kịp thời mang vác súng đạn, ai cũng đem hết sức mình
để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng căn cứ. Các chiến sĩ
ta được lệnh đổi súng cũ lấy súng mới để tự trang bị cho mình. Đồng chí Lê
Thanh, chỉ huy phó trận đánh, ra lệnh dùng ba xe vận tải của địch vận chuyển
súng đạn, sử dụng lái xe của ta và lái xe là hàng binh địch chở vũ khí từ Tua
Hai theo quốc lộ 22 hướng lên Trại Bí về căn cứ. Đội xe chở vũ khí rời khỏi Tua
Hai chưa được bao xa, một xe bị lật bánh không chạy được, buộc phải bỏ lại.
Theo kế hoạch, hai xe còn lại đến ngã ba sẽ rẽ phải đi về Trà Vong, nhưng vì đêm
tối xe chạy vượt qua khỏi ngã ba một đoạn và bất ngờ bị địch chặn lại, ta nổ
súng đánh trả và cho xe rẽ sang trái chạy vào rừng, lại gặp chướng ngại vật
không thể vượt qua, ta phải lấy vũ khí mang theo và phá hủy xe. Do phải mang
vác vũ khí nặng và cắt rừng mà đi, nên ngày hôm sau mới về đến căn cứ.
Sau khi thu vũ khí, giải quyết chính
sách đối với tù binh, đến 3 giờ 30 ngày 26/01/1960, lực lượng vũ trang của ta
rút khỏi trận địa. Trận tiến công Tua Hai diễn ra đúng như dự kiến, ta làm
chủ hoàn toàn trận địa, “tiêu diệt 400 tên địch, bắt 500 tên, thu 1.200 súng
các loại, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh”([16]). Lực lượng ta
bị thương 12 đồng chí, 7 đồng chí hy sinh, gồm: Đồng chí Năm Nhỏ, Tư Đen, Sáu Tươi, đồng chí Song, đồng chí Nghị, đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Ngô Minh Trị (tức đồng chí Ba Bảy)[17].
Tua Hai là thắng lợi đầu tiên của lực lượng
vũ trang cách mạng, đạt được yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam bộ đề
ra. Với chiến thắng vang dội này, đã cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân
Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ
đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ. “Tây Ninh là loại hình đồng khởi khác,
bắt đầu từ tiến công về quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng”([18]).
4. Phong trào Đồng khởi vũ trang của quân dân Nam bộ sau chiến thắng Tua
Hai ở Tây Ninh.
Chiến thắng Tua Hai là
tiếng kèn báo hiệu cho cuộc nổi dậy đồng loạt của quân dân Tây Ninh nói riêng, của
các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam bộ nói chung.
Ở Tây Ninh, chỉ trong
hai tháng, từ tháng 2 đến tháng 4.1960, bằng mọi hình thức, biện pháp sáng tạo
và linh hoạt, quân dân Tây Ninh đã tiêu diệt, bức rút đồn bót ở các xã. Tại
tổng Hoà Ninh, phía tả ngạn xã Thanh Điền, Phum Soài (nay là xã Ninh Điền),
Long Chữ hoàn toàn giải phóng, còn ba xã có đồn lớn cấp trung đội chưa giải
quyết được là Thái Bình, Trí Bình và Thanh Điền. Ở các xã Phan, Suối Đá, Lộc
Ninh, Cầu Khởi chạy dài xuống Truông Mít, Bàu Đồn, Đôn Thuận, Lộc Hưng, Phước
Thạnh, Gia Lộc, An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Thanh Phước, Hiệp Thạnh… bộ máy kềm
kẹp của địch bị triệt hạ hoàn toàn. Trên các trục lộ chiến lược số 1 và 22, ở
các đoạn đường cống Biện Sen, Rỗng Tượng, Gò Chùa, Trà Võ…từng lúc bị cắt đứt.
Trước sức tấn công và nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, địch vô cùng hoảng hốt, chống
đỡ yếu ớt. Binh lính trong một số đồn bót vùng hẻo lánh như Cần Đăng, Mỏ Công, Trại
Bí, Tam Hạp…bỏ chạy. Đại bộ phận quân địch co cụm về thị xã, thị trấn.
Đến tháng 7.1960, quân
và dân trong toàn tỉnh đã nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ
bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và
trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Đến cuối năm 1960, trên phân nửa đồn bót
địch trong tỉnh bị bức hàng, bức rút. Các khu trù mật ở Bời Lời, Truông Mít,
Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công… đều bị quân
dân Tây Ninh triệt phá. Vùng căn cứ kháng chiến được mở rộng, hình thành thế
liên hoàn từ Lò Gò, Thiện Ngôn, Kà Tum, Bổ Túc, Cần Đăng, Hảo Đước, Ninh Điền
xuống tới các xã Long Chữ, Long Giang, Lợi Thuận của huyện Bến Cầu; Phan, Suối
Đá, Lộc Ninh, Truông Mít của huyện Dương Minh Châu; Phước Thạnh, Hiệp Thạnh,
Thanh Phước của huyện Gò Dầu; Đôn Thuận, Lộc Hưng, Gia Lộc của huyện Trảng
Bàng. Vùng căn cứ liên hoàn này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành
hành lang chiến lược qua tỉnh Bình Long, Phước Long, Chiến khu Đ, xuống Long An
về đồng bằng sông Cửu Long.
Qua kết quả của một
năm tiến công và đồng loạt nổi dậy, đặc biệt là thành quả to lớn trong trận
khai màn chiến thắng Tua Hai, với số vũ khí thu được trong trận đánh này và sự
lớn mạnh không ngừng của lực lượng chiến đấu, các đơn vị vũ trang cách mạng
được hình thành như: Tiểu đoàn 14 (D14) của tỉnh, Đại đội 40 (C40) của huyện
Châu Thành, Đại đội 54 (C54) của huyện Dương Minh Châu, Đại đội 33A (C33A) của
hai huyện Gò Dầu và Trảng Bàng, C2/45 Thị xã. Riêng vùng Toà Thánh thành lập
đội vũ trang tuyên truyền. Trong các vùng giải phóng, nhân dân đứng ra thành
lập chính quyền tự quản, tổ chức tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến và
giải quyết đời sống, vận động thanh niên lên đường tham gia lực lượng vũ trang.
Chiến thắng Tua Hai
không chỉ trực tiếp tháo ngòi nổ cho phong trào đồng khởi của quân và dân Tây
Ninh mà còn là "đòn bẫy" kích thích, động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân
dân các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam bộ vùng lên dùng bạo lực vũ
trang khởi nghĩa giành chính quyền ở xã, ấp.
Tại Long An, tỉnh nằm rất
gần Tây Ninh, liền kề với Sài Gòn - Gia Định, địch luôn thực hiện chính sách
kìm kẹp gắt gao. Với chiến thắng Tua Hai đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh
lính địch ở tỉnh này. Bọn nguỵ quân, nguỵ quyền Long An lo sợ co cụm lại, tạo
điều kiện cho nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Giuộc,
Châu Thành, Thủ Thừa... đồng loạt nổi dậy, giải phóng hoàn toàn 12 xã, phá lỏng
kìm kẹp 67 xã, vươn lên làm chủ xã, ấp ở những mức độ khác nhau.
Cùng với Tây Ninh,
Long An, nhân dân Thủ Dầu Một (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu vùng lên diệt nhiều tên
tay sai ác ôn, giải phóng hơn 30 xã, phá lỏng thế kìm kẹp nhiều xã khác.
Đồng khởi Tua Hai còn
là nhân tố quan trọng góp phần củng cố thắng lợi của phong trào đồng khởi đợt
một của tỉnh Bến Tre, đồng thời kích thích mạnh mẽ phong trào của các tỉnh miền
Tây - đồng bằng sông Cửu Long. Ngày
14/9/1960, đồng loạt các tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ,
Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên đồng khởi. Tiếp đó, trong ba ngày, từ
ngày 23/9 đến 25/9, đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đồng khởi đợt hai
của tỉnh Bến Tre.
Cộng hưởng với chiến
thắng Tua Hai, phong trào vũ trang cách mạng năm 1960 cũng diễn ra mạnh mẽ ở
Liên tỉnh 3, gồm các tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình
Thuận, Khánh Hoà và các tỉnh Nam Tây Nguyên tiếp giáp với miền Đông Nam
bộ. Thắng lợi ở các tỉnh này - trong đó nổi bật nhất, vang dội nhất là chiến
thắng Hoà Đức - Bắc Ruộng - đã mở ra nhiều vùng giải phóng rộng lớn, tạo thành
hệ thống căn cứ địa liên hoàn, góp phần to lớn trong việc thực hiện chủ trương
xây dựng căn cứ địa nối thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, là tuyến chi viện
của Trung ương đi qua các tỉnh Liên Khu 5 vào Nam bộ.
Những thắng lợi to lớn
của quân dân Tây Ninh, và quân dân toàn miền Nam trong cao trào Đồng khởi năm
1960 đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh một phía” của Mỹ-Ngụy, đưa cách
mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
III. Vai trò của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh trong chiến thắng Tua Hai
Tua Hai là trận đánh
do Ban Quân sự miền Đông Nam bộ trực tiếp xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ
huy trận đánh. Lực lượng tham gia trận Tua Hai là các đơn vị vũ trang Miền. Tuy
nhiên, thắng lợi của trận Tua Hai có đóng góp vô cùng quan trọng của Đảng bộ,
quân dân của tỉnh Tây Ninh, thể hiện vai trò lãnh đạo sáng suốt và tầm chiến
lược lâu dài của Tỉnh uỷ Tây Ninh. Chính sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự
hoà hợp giữa ý Đảng và lòng dân cùng khối đoàn kết quân - dân, lương - giáo,
nên Tây Ninh có đủ điều kiện cần thiết để đảm bảo cho trận đánh mở màn giành
thắng lợi, làm cơ sở để Xứ uỷ, Ban Quân sự Miền chọn đánh thành Tua Hai - Tây
Ninh.
Từ năm 1959, Ngô Đình
Diệm lập ra các “khu trù mật” chốt sâu trong căn cứ kháng chiến cũ, các tuyến
chiến lược để tăng cường dồn ép, kìm kẹp đồng bào, thực hiện chính sách “tát
nước bắt cá”. Đặc biệt là ban bố luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi tàn sát
đồng bào. Bởi chính sách đó của địch, đội ngũ cán bộ cốt cán và quần chúng cách
mạng trung kiên bị tổn thất nặng nề.
Trong tình thế khó
khăn đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh vẫn duy trì tốt thế trận lòng dân. Tỉnh uỷ đã lãnh
đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên cách mạng kiên trì, kiên quyết bám trụ trong
dân, sâu sát nhân dân, nắm tâm tư tình cảm của dân, tuyên truyền, vận động,
giáo dục tinh thần cách mạng trong nhân dân. Nhờ đó, luôn tạo được niềm tin
trong nhân dân, giữ vững tinh thần cách mạng trong nhân dân không bị giảm sút
và đồng bào luôn sôi sục ý chí đánh Mỹ, diệt nguỵ.
Bị chế độ Mỹ-Diệm đàn
áp đến nghẹt thở, đồng bào đã tìm gặp, đặt vấn đề với các đồng chí lãnh đạo
Tỉnh uỷ : "Các anh có còn liên lạc với Trung ương không ? Chẳng
lẽ để cho kẻ thù cứ tự do tàn sát, giết hại mãi hay sao ?". Đồng bào
mong mỏi Tỉnh uỷ báo cáo với Bác Hồ xin Bác cho bộ đội về cứu dân", hoặc
lãnh đạo chuyển hướng đấu tranh bằng bạo lực vũ trang. Ở huyện Châu Thành, vì
không muốn con em mình bị địch bắt lính, cầm súng cho địch, đồng bào đã đề nghị
tỉnh tổ chức lực lượng vũ trang để mọi người đưa con em nhập ngũ. Bởi theo đồng
bào : "Nếu có đổ máu thì phải đổ cho quê hương, cho Đảng, cho dân
mình, quyết không thể nào làm tay sai cho giặc".
Vì Trung ương chưa cho
phép chuyển hướng đấu tranh, chưa cho tổ chức lực lượng vũ trang nên Tỉnh uỷ
viện cớ là: tổ chức lực lượng vũ trang lúc này chưa phù hợp, tỉnh chưa có
khả năng cấp dưỡng, trang bị cho bộ đội. Đồng bào khẳng định: nhân dân sẽ
nuôi bộ đội, trước mắt, mỗi gia đình có con em đưa vào rừng tham gia kháng
chiến sẽ tự cung cấp đủ lúa gạo ăn cho con mình trong một năm, sau đó tính
tiếp. Quần áo, nón, dép gia đình tự lo; tự lo cả súng đạn bằng cách lấy của
địch khi chúng sơ hở để trang bị cho mình.
Trước quyết tâm của
nhân dân, tỉnh không thể giải quyết nhưng đồng bào đã tự động chuyển vào thế
bất hợp pháp. Bà con đặt cách mạng vào thế đã rồi khi tự mua sắm quần áo, thắt
lưng, bình toon, gánh gạo đưa con em vào rừng tìm theo kháng chiến.
Dù cách mạng đang
trong tình cảnh hiểm nghèo, song Đảng bộ Tây Ninh vẫn giữ vững được vai trò
lãnh đạo trong quần chúng nhân dân, ngày càng củng cố vững chắc lòng tin của
nhân dân Tây Ninh với Đảng, Bác Hồ, với cách mạng. Đây là một thành công rất
lớn của Tỉnh uỷ, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Vừa ra sức duy trì, củng
cố thế trận lòng dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, Tỉnh uỷ Tây Ninh còn
thể hiện vai trò liên kết khéo léo giữa các lực lượng vũ trang trong tỉnh, mà
điểm đáng chú ý là tham gia trận tiến công Tua Hai có sự tham gia của lực lượng
giáo phái là một Trung đội Bình Xuyên và một Trung đội Cao Đài ly khai. Tây
Ninh là nơi khai lập, là trung tâm của đạo Cao Đài. Lúc bấy giờ, lực lượng của
Cao Đài rất mạnh, bên cạnh những lực lượng do các phần tử phản động khoác áo
tôn giáo nắm giữ, đánh phá cách mạng quyết liệt, vẫn có một bộ phận binh lính
và chức sắc trong đạo có tinh thần dân tộc, yêu nước. Lực lượng binh lính Cao
Đài đi theo Đảng Cộng sản, theo cách mạng là những quần chúng tốt, có lòng căm
thù giặc sâu sắc. Trong thời điểm này, việc Tỉnh uỷ Tây Ninh tập hợp và đưa
được lực lượng giáo phái vào cuộc đấu tranh chống Mỹ, trực tiếp tham gia vào
trận chiến Tua Hai là một thắng lợi cực kỳ to lớn của chính sách Cao Đài vận.
Yếu tốt có tính chất
quyết định để Xứ uỷ, Ban Quân sự Miền quyết định chọn đánh Tua Hai, đồng thời
cũng là yếu tố đảm bảo cho trận đánh diễn ra đúng kế hoạch, đạt vượt mục đích
yêu cầu đề ra, đó chính là vai trò phối hợp của các cơ sở nội tuyến trong nội
bộ trung đoàn 32, sư đoàn 21 nguỵ. Để xây dựng được hệ thống cơ sở nội tuyến
trong lòng địch là kết quả của cả một quá trình nỗ lực lâu dài, kiên trì, khéo
léo của Tỉnh uỷ, các ngành, các cấp.
Ngay từ cuối
năm 1957, đầu năm 1958, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề xây
dựng cơ sở binh vận cốt cán trong hàng ngũ binh lính trung đoàn 39, sư đoàn 13
nguỵ, lực lượng đóng giữ thành Nguyễn Thái Học - Tua Hai. Tỉnh đã xây dựng
trong thành chi bộ Đảng, chi đoàn mật gồm 3 phân đoàn với khoảng 30 đoàn viên, tổ
chức thành công mạng lưới cơ sở mật giao cài cắm trong dân xung quanh Tua Hai,
phục vụ cho Tỉnh uỷ nắm chắc tình hình địch nơi đây để báo cáo lên Thường trực Xứ
uỷ.
Sau khi các cơ
sở nội tuyến trong trung đoàn 39, sư đoàn 13 nguỵ và các cơ sở mật giao bị lộ,
địch đàn áp rất mạnh, sau đó chúng điều lực lượng trung đoàn 32, sư đoàn 21 lên
Tây Ninh thay thế chốt giữ Tua Hai. Tỉnh uỷ Tây Ninh tiếp tục kiên trì đứng ra
tổ chức lại cơ sở, khôi phục lại mạng lưới nội tuyến, gầy dựng lại phong trào. Hoạt
động của các cơ sở nội tuyến do một đồng chí Tỉnh uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh trực tiếp đảm trách. Rút kinh nghiệm cho lần trước, Tỉnh uỷ chủ trương xây
dựng cơ sở nội tuyến theo hình thức đơn tuyến.
Do đó, tuy các
cơ sở nội tuyến được Tỉnh uỷ xây dựng, cài cắm trong hầu hết các vị trí, lực
lượng của địch, nhưng cơ sở chỉ biết nhiệm vụ của mình, không ai biết ai. Bằng
hình thức tổ chức đơn tuyến đã đảm bảo được bí mật tuyệt đối cho hoạt động của
mạng lưới nội tuyến cũng như bí mật trận đánh đến giờ phút khai màn. Có thể
khẳng định, chính quá trình chuẩn bị lực lượng nội tuyến vững chắc của tỉnh Tây
Ninh, tạo thế trận nội công ngoại kích, đảm bảo khả năng lớn cho trận đánh
giành thắng lợi, từ đó Xứ uỷ và Ban Quân sự Miền hạ quyết tâm đánh Tua Hai.
Trong công tác dân vận, Tỉnh uỷ Tây Ninh không
những lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân
chủ đối với nhân dân vùng ngoại vi Tua Hai, mà còn làm tốt công tác vận động
đồng bào trong ấp Tua Hai và các khu vực liền kề. Nhờ đó, đồng bào Tua Hai đã
đùm bọc, chở che, hỗ trợ cho hoạt động chính trị và binh vận của cán bộ, cơ sở
nội tuyến và mật giao của ta.
Vai trò của Tỉnh uỷ
Tây Ninh còn thể hiện ở việc lãnh đạo giữ gìn bí mật tuyệt đối, tạo yếu tố bất
ngờ của trận đánh và khả năng huy động lực lượng dân công hoả tuyến. Trong hoàn
cảnh những năm 60 của thế kỷ XX, cách mạng trong lúc thoái trào do hành động
đàn áp, truy lùng, bắt bớ, chém giết cán bộ, đảng viên và đồng bào không thương
tiếc, nhưng Tây Ninh đã huy động liền một lúc đến 300 dân công phục vụ trận
đánh là một kỳ tích hiếm có, ngoài mong đợi của Xứ uỷ và Ban Quân sự Miền. Và tỉnh
không chỉ giữ bí mật về thời gian, kế hoạch tác chiến trận Tua Hai mà còn đảm
bảo bí mật trong huy động và truyền đạt nhiệm vụ cho lực lượng dân công.
Lực lượng dân công 300
người, chủ yếu của hai huyện Châu Thành (hơn 200 người) và huyện Dương Minh
Châu (có 42 người), hầu hết là đảng viên, đoàn viên và quần chúng cách mạng cốt
cán, nhưng khi có lệnh tập trung, mọi người chỉ được biết chủ trương là về dự
tập huấn và ăn tết, hoàn toàn không hề biết làm nhiệm vụ dân công hoả tuyến. Không
được biết nhiệm vụ, nhưng đến khi xông pha vào trận, tất cả đều hừng hực khí
thế, ai cũng hồ hởi, thi đua mang vác thật nhiều súng đạn vận chuyển về căn cứ.
Bởi trận đánh này là nguyện vọng, là mong mỏi từ rất lâu của cán bộ, đảng viên,
quần chúng cách mạng và nhân dân tỉnh nhà nói riêng, của toàn miền Nam nói chung.
Cùng với vai trò lãnh
đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, lực lượng to lớn nhất, quyết định nhất
cho thắng lợi này chính là nhân dân Tây Ninh nói riêng và đồng bào Việt Nam yêu
nước nói chung.
Tinh thần yêu nước,
cách mạng và quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Tây Ninh thể hiện rất rõ trong câu
nói của đồng chí Võ Văn Tuyện (Tám Hoà), lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh uỷ Tây
Ninh: "Hiện giờ Ý ĐẢNG – LÒNG DÂN đã hoà chung là một, tôi tin là trên
nhất định sẽ có chủ trương mới và một khi trên đã có chủ trương thì tôi tin đại
sự ắt thành". Rất nhanh sau đó, tại Hội nghị Bàu Rã vào tháng 3/1959, Chỉ
thị 15 của Trung ương về chuyển hướng đấu tranh đã được phổ biến đến cấp uỷ các
huyện trong tỉnh Tây Ninh. Lòng căm thù giặc, ý chí đánh Mỹ, diệt nguỵ bị dồn
nén bấy lâu, nay đã được thổi bùng, ngay lập tức, đồng bào khắp nơi trong tỉnh vùng
lên diệt ác, trừ gian, binh sĩ trong đồn địch làm binh biến. Và tinh thần ấy
càng được phát huy cao độ trong trận thắng Tua Hai lịch sử, mở đầu cho phong
trào Đồng khởi vũ trang trên toàn miền Nam.
IV. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Tua Hai
Chiến thắng Tua Hai có
ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai
đoạn cách mạng miền Nam bắt đầu bước chuyển từ thế đấu tranh chính trị, chủ yếu
phòng ngự giữ gìn lực lượng, lên thế tiến công, tổng tiến công để giành thắng
lợi, thống nhất nước nhà.
Chiến thắng Tua Hai là
một trong những mốc mở đầu cho phong trào đồng khởi, chuyển từ thời kỳ đấu
tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là phát súng lệnh cho phong trào đồng
khởi của đồng bào và các lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn miền Nam, chính
thức phát động, cổ vũ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam của quân dân cả
nước. Thắng lợi này đã mở ra thời cơ to lớn, vô cùng thuận lợi cho Tây Ninh và
các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam bộ nói chung vùng dậy, kết hợp giữa phong trào
nổi dậy của quần chúng với tiến công của các lực lượng vũ trang, kết hợp 3 mũi
giáp công chính trị, quân sự và binh vận, từng bước làm chủ, giải phóng đất
đai, mở rộng và nối liền các vùng căn cứ địa cách mạng.
Chiến thắng Tua Hai
khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, mở
ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng lực lượng, hoàn thiện phương thức đấu
tranh vũ trang giải phóng miền Nam. Đảng ta phải mất hơn bốn năm để tìm ra con
đường giải phóng miền Nam trong hoàn cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Hơn bốn năm
để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm lựa chọn con đường bạo lực vũ trang
cách mạng để chống lại bạo lực vũ trang phản cách mạng, từng bước xây dựng lực
lượng vũ trang ba thứ quân, huấn luyện phương thức tác chiến, tìm "cách đánh Mỹ” để thắng Mỹ. Chiến thắng Tua Hai
là cơ sở để Đảng ta hoàn thiện đường lối, phương châm đấu tranh cách mạng hai
chân, ba mũi, trong đó xác định đấu tranh vũ trang ngày càng quan trọng, có
tính chất quyết định cho thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam. Nghị
quyết 15 cũng khẳng định sự hoà hợp, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân trong
công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Chiến thắng Tua Hai là
kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi
của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Đảng bộ, quân và
dân Tây Ninh nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Trận đánh diễn ra vào
thời điểm mà nguỵ quyền Sài Gòn tự tin cho rằng cách mạng không thể có đủ tinh
thần và lực lượng để tiến hành một cuộc tiến công vũ trang, và càng không thể
tiến công vào một cứ điểm quân sự cấp trung đoàn, được trang bị đầy đủ súng
ống, phương tiện chiến tranh hiện đại như Tua Hai. Càng không thể tin khi mà ở
thời điểm 1960, giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang bị đàn
áp, khủng bố đến nghẹt thở, nhưng cùng một lúc Tây Ninh có thể huy động đến 300
người tham gia dân công hoả tuyến cho trận đánh Tua Hai. Để có thể huy động
được một lực lượng ngoài sức tưởng tượng đó của kẻ thù là cả một quá trình
chuẩn bị tâm huyết, kiên trì, lâu dài, sáng tạo của Tây Ninh và miền Đông Nam
bộ.
Ý nghĩa của chiến
thắng Tua Hai không chỉ giới hạn trong một trận đánh mà vượt qua không gian và
thời gian, đi vào lịch sử dân tộc như là một chiến công quân sự và chính trị
sáng chói của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Chiến thắng Tua Hai là một cú ra
đòn chí mạng, đánh trúng vào tử huyệt của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền, làm
rúng động cả bộ máy kìm kẹp của địch ở Tây Ninh, tạo thành một phản ứng dây
chuyền, lung lay cả hệ thống chính quyền Sài Gòn. Khác với hình thức khởi đầu
bằng một cuộc nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân trong Đồng khởi Bến
Tre, đồng khởi Tua Hai là một hình mẫu sáng tạo về phương pháp cách mạng của Xứ
uỷ Nam bộ trong phương thức khởi đầu cuộc nổi dậy của quần chúng trên cơ sở kết
hợp hỗ trợ đấu tranh của lực lượng vũ trang để chuyển cách mạng miền Nam sang
thế tiến công. Đó là phương thức khởi đầu bằng một cú đấm quân sự có sức thối
động mạnh, thúc đẩy phong trào đấu tranh toàn diện trên toàn miền, trực tiếp là
ở Tây Ninh và các tỉnh miền Đông lân cận. Nếu Tây Ninh và miền Đông Nam bộ
không có quả đấm quân sự Tua Hai hỗ trợ, thì phong trào nỗi dậy của quần chúng
nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, phong trào đồng khởi sẽ bị chậm trễ, có thể dẫn
đến tổn thất lớn.
Chiến thắng Tua Hai
năm 1960 tại Tây Ninh cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre báo hiệu giai đoạn
ổn định tạm thời vốn được thực hiện bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém và thủ
đoạn chính trị mị dân, lừa bịp của chế độ nguỵ quyền tay sai đã hết, bước đường
sụp đổ của chế độ này đã bắt đầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-----
1. Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Tây Ninh 1930-2005, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, NXB Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, năm 2010.
2. Chiến thắng Tua Hai
và Phong trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ - Tủ sách Tổng kết trận đánh, Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, NXB Quân đội nhân dân,
Hà Nội, năm 1999.
3. Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Hội
đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến, NXB Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, năm 2011.
4. Lịch sử Đảng bộ huyện Dương Minh
Châu 1951-1975, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu, Công ty TNHH MTV
ITAXA, Tp.HCM, năm 2015.
5. Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân
dân huyện Dương Minh Châu 1951-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh
Châu và Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Dương Minh Châu, Công ty cổ phần in
Hoàng Lê Kha - Tây Ninh, Tây Ninh, năm 2015.
6. Truyền thống đấu tranh cách mạng
của nhân dân Châu Thành, Huyện uỷ Châu Thành - Ban Tổng kết chiến tranh, Xí
nghiệp in Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, năm 1986.
7. Tây Ninh - 30 năm trung dũng kiên
cường, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - Ban Tổng kết chiến tranh, Xí nghiệp in Hoàng Lê
Kha, Tây Ninh, năm 1990.
8. Địa chí Tây Ninh, Uỷ ban nhân dân
tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần in Hoàng Lê Kha - Tây Ninh, Tây Ninh, năm 2006.
9. Tổng kết công tác binh vận trong
kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Tây Ninh 1954-1975, Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, tài liệu tổng kết công tác binh vận tỉnh Tây Ninh,
năm 1997.
10. Truyền thống cách mạng xã Thái
Bình, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thái Bình, Công ty cổ phần in Hoàng Lê Kha - Tây
Ninh, Tây Ninh, năm 2010.