Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018


Phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại hội nghị báo chí toàn quốc 


Phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ tại hội nghị báo chí toàn quốc
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng. Ảnh: VnEconomy

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới, hội nghị của chúng ta đã hoàn thành chương trình, nội dung đề ra. Tôi có may mắn 3 năm liền liên tiếp dự hội nghị báo chí toàn quốc và tôi thấy lần này có 3 điều rất thú vị:
Thứ nhất, nhiều ý kiến phát biểu đã thể hiện sự đồng tình với nhận định năm 2018 công tác báo chí đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, thể hiện sự đổi mới rõ nét về chỉ đạo, định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin; về quản lý nhà nước; về thông tin, tuyên truyền; về công tác Hội; về nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo; về hợp tác, giao lưu quốc tế v.v...
Kết quả đó thể hiện nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, cũng như quyết tâm đổi mới toàn diện công tác báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả của những người làm công tác báo chí trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, hội nghị đã ưu tiên thời lượng thảo luận nghiêm túc, phân tích khá sâu sắc những bất cập, hạn chế, thiếu sót của công tác báo chí năm 2018. Các tham luận và ý kiến phát biểu lần này thú vị hơn và có sự tranh luận nhìn nhận ở góc độ khác nhau.
Tôi có chia sẻ với các đồng chí ngồi cạnh rằng, riêng tranh luận về những vấn đề này có thể tranh luận cả ngày cũng sẽ còn sôi nổi và hấp dẫn.
Chúng ta đã đề cập tới những thách thức đặt ra với công tác báo chí như: xu hướng xã hội hóa thông tin, tìm kiếm thông tin ngày càng cá nhân hóa; hiểm họa tin giả; quảng cáo giảm sút; nguy cơ tụt hậu của báo chí nước ta trước sự phát triển rất nhanh của báo chí và truyền thông thế giới; biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một phận người làm báo…
Có đồng chí nói tới niềm tin của báo chí đối với xã hội, nói tới phẩm hạnh của những người làm báo, nói tới vai trò của báo chí đối với phòng chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực, tôi cho rằng đây là những vấn đề rất đúng và thú vị.
Thứ ba, hội nghị đã phân tích rất sâu về nguyên nhân chủ quan của hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm; chỉ rõ trách nhiệm thuộc về đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cùng những bài học thiết thực từ thực tiễn công tác báo chí của năm 2018 và thời gian vừa qua.
Thống nhất quyết tâm rất cao là khắc phục, hạn chế, phát huy ưu điểm để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền báo chí, nhiệm vụ công tác báo chí trong năm 2019.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi ghi nhận tinh thần trách nhiệm, cầu thị, tự phê bình và phê bình nghiêm túc cùng những trăn trở tâm huyết của các đồng chí đại biểu, các cơ quan, đơn vị. Tôi đề nghị 3 cơ quan cùng chủ trì hội nghị cần nghiêm túc tiếp thu những đóng góp xác đáng, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Báo cáo, phục vụ việc triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2019.
Thưa các đồng chí!
Năm 2019 có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; cũng là năm Đảng ta khẩn trương triển khai những công việc rất quan trọng chuẩn bị đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác báo chí phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Báo chí cách mạng nước ta phải tiếp tục giữ vai trò tiên phong về thông tin, tuyên truyền thành tựu của sự nghiệp đổi mới, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Để hoạt động tuyên truyền đạt chất lượng, hiệu quả, nhìn lại 2018, cùng với những nhiệm vụ hội nghị đã xác định cho năm 2019, tôi nêu thêm một số nội dung, yêu cầu sau:
- Một là, về chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin và thông tin trên báo chí. Trong năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã quán triệt và quyết tâm hơn việc thực hiện phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả trong việc định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin cũng như trong thông tin báo chí.
Các sự kiện, vấn đề, tình huống nhạy cảm, phức tạp, hầu hết đều được dự báo, phát hiện sớm và được phân tích, xử lý, định hướng, thông tin kịp thời. Việc tổ chức giao ban, việc cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan báo chí tổ chức tốt hơn ở Trung ương và nhiều địa phương.
Vừa rồi trong phóng sự có nói riêng sự kiện Quốc hội thảo luận về luật Đặc khu đã có dự báo, chỉ đạo xử lý kịp thời. Hay trong năm 2018 cơ quan chủ trì giao ban thông tin đã mời 60 báo cáo viên ở các bộ, ngành TƯ và địa phương để trao đổi những vấn đề có thể phát sinh, bình quân một tuần hơn 1 báo cáo viên báo cáo, giúp thông tin kịp thời hơn.
Nhiều cơ quan báo chí triển khai hoạt động thông tin một cách sáng tạo, sinh động, hấp dẫn. Kỷ luật thông tin được giữ vững.
Đặc biệt, chỉ đạo thông tin được triển khai bài bản, chủ động, trong đó có việc tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, thông tin các hội nghị Trung ương lần thứ 7, 8 khóa XII của Đảng để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, yêu cầu định hướng dư luận, là biểu hiện sinh động, cụ thể quan điểm, quyết tâm, tính nhất quán trong đổi mới thông tin của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Sự kiên trì đổi mới trong công tác chỉ đạo, định hướng của cơ quan chỉ đạo, cùng sự nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức nội dung thông tin của các cơ quan báo chí đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin sai, mang tính đồn đoán, xuyên tạc.
Trong năm qua, chúng ta cũng đã xử lý và chủ động thông tin, thông tin kịp thời, chuẩn xác nhiều sự kiện quan trọng dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.
Chúng ta đều nhớ sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần đặt ra những tiền lệ chưa từng có trong chỉ đạo thông tin. Tuy góc độ này khác cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ bản chúng ta giải quyết được.
Trong bối cảnh mạng xã hội đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, kết quả tích cực đó là bài học, cần được phát huy, thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề này, một vấn đề đặt ra là: Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta có những bài học đắt giá.
Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã "trao tặng" lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin.
Một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội.
Đúng là thách thức từ mạng xã hội là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.
Tôi phát hiện ra điều thú vị TTX gửi cho tôi nghiên cứu, khi chúng ta đang say sưa với mạng xã hội thì người ta đã nói tới sự khai tử đối với mạng xã hội, google, người ta nói tới quay lại niềm tin với báo in trên thế giới. Đây là điều rất đáng chú ý.
Nếu chúng ta thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén; các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn; các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả hơn việc tạo điều kiện về thông tin cũng như cổ vũ, động viên, hỗ trợ, bảo vệ các nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ qui trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp v.v…, chắc chắn, chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin; phê phán, phản bác một cách sắc bén hơn các thông tin sai, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta; đập tan những mưu toan thâm độc, cũng như làm tan rã những đồn đoán, suy diễn.
Làm được điều đó, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của công chúng đối với báo chí. Làm được điều đó, báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận.
Tôi lấy một sự kiện thôi để nói, đó là sự kiện quốc tang. Báo chí đã đi trước mạng xã hội và chúng ta đã có kinh nghiệm chuyện đó. Lúc bác Giáp mất, để thời gian chờ thông tin lâu và toàn bộ thời gian chờ thông tin đó chúng ta nhường cho mạng xã hội, một số báo sốt ruột phải xé rào, vi phạm quy định.

Thưa các đồng chí, hơn 2 năm vừa qua, trong chỉ đạo định hướng thông tin, chúng tôi đã xác định, cái gì đã xảy ra rồi, có kết quả khách quan, không thay đổi được, có người biết thì thông tin. Và chúng ta làm tốt được những điều đó thì làm được điều tôi vừa nói.
Hai là, về quản lý: Năm qua, cơ quan quản lý đã có nỗ lực, cố gắng, triển khai nhiệm vụ, đạt được các kết quả quan trọng, như: tham mưu Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030; đang xây dựng Danh mục đơn vị tự chủ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và chuẩn bị nội dung sơ kết 2 năm thực hiện luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chặt chẽ việc cấp phép hoạt động báo chí và công tác bổ nhiệm; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí cho cán bộ lãnh đạo.
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng tiếp tục tăng cường rà soát, phát hiện, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, trong đó có việc công bố đường dây "nóng" tiếp nhận thông tin phản ảnh các biểu hiện bất thường trong tác nghiệp của phóng viên; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương ứng dụng ở mức độ cao hơn giải pháp kỹ thuật kiểm soát việc gỡ tin, bài, đưa lại kết quả rõ nét...
Việc gỡ bài trước đây khi chưa công bố phần mềm quản lý gỡ bài thì tình trạng sáng đưa trưa gặp, chiều gỡ thì nhan nhản, tràn lan, nhức nhối. Nhưng khi công bố rồi tình trạng này đã giảm 80-90% nhưng mà lại xuất hiện tiêu cực mới theo kiểu trên có chính sách dưới có đối sách, bài không gỡ, tít còn nguyên nhưng nội dung lại thay đổi. Cái này phải kiểm soát ở mức độ cao hơn.
Công tác quản lý báo chí ở các địa phương có nhiều tiến bộ.
Có địa phương, như Quảng Ninh, thể hiện tinh thần, tư duy đột phá, chủ động đề xuất mô hình Trung tâm truyền thông tỉnh trên cơ sở sắp xếp lại các cơ quan báo chí đang hoạt động của địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giảm đầu mối, được Ban Bí thư ủng hộ, đang triển khai một cách tích cực để thực hiện ngay từ đầu năm 2019.
Năm 2019, công tác quản lý cần tiếp tục thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm:
1. Đẩy nhanh việc ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí; đánh giá những trở ngại, nguyên nhân khiến việc triển khai Quy hoạch chậm trễ, trên cơ sở đó, gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện.
Trong vấn đề này, cùng với quyết tâm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cấp ủy đảng, các tổ chức đảng của cơ quan báo chí cần thể hiện vai trò là nhân tố quyết định.
Cơ quan quản lý cũng cần theo dõi, hướng dẫn những cơ quan, địa phương đi đầu như tỉnh Quảng Ninh thực hiện mô hình Trung tâm truyền thông gắn với phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể những vấn đề liên quan, nêu bài học kinh nghiệm để nhân rộng nếu mô hình mới thực sự phát huy tác dụng tích cực.
2. Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên.
Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để, trong khi chưa sửa đổi luật Báo chí, có những văn bản chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử - một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay.
Ở đây tôi cũng nêu ra một tư tưởng: Chúng ta không cần thiết phải tranh luận điều mà những người làm công tác báo chí có nhận thức chung.
Trong luật Báo chí nói tạp chí xuất bản theo định kỳ, nhưng do sự sơ hở và thiếu sót của quy định quản lý nhà nước, trong thời gian vừa qua tình trạng báo hóa tạp chí diễn ra rất gay gắt, dẫn tới cuộc tranh luật nói định kỳ nhưng không nói định kỳ là bao lâu, một ngày, một tuần, một tháng? Nội dung tạp chí là thế nào?
Tôi nghĩ cái này khẩn trương nhưng từ năm 2019 dù chưa có quy định đó cũng phải hướng tới thực hiện một cách nghiêm khắc theo các quy định sau đây: Thứ nhất, tạp chí phải theo định kỳ, một kỳ là 2 tuần, tạp chí không đưa tin thời sự, tạp chí chuyên ngành đưa tin thời sự làm gì? Đưa tin xây dựng cơ bản làm gì? Đưa tin quy hoạch sai phạm làm gì? Đưa tin sai sót chỗ này chỗ kia làm gì? Chỗ đó xử lý dứt điểm bằng nguyên tắc Đảng, quy định nhà nước chưa có thì xử lý bằng quy tắc Đảng để cơ quan chủ quản, tổ chức Đảng chỗ đó chấp hành nghiêm, không thì xử lý theo quy định 75 về khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của các cơ quan quản lý. Phải làm rất nghiêm, không thể để chậm trễ như vậy được.
Năm 2019, cơ quan quản lý Trung ương cũng như các địa phương cần thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn việc biểu dương, khen thưởng các đơn vị báo chí và nhà báo có thành tích xuất sắc; phê phán mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó, công khai danh sách cơ quan báo chí nhiều sai phạm, bị xử lý, cùng chủ quản các cơ quan báo chí đó - như Hội nghị báo chí toàn quốc thực hiện lần này - phải trở thành một tiền lệ tích cực để góp phần khắc phục biểu hiện tiêu cực trên.
Tôi nói thêm liên quan "báo hóa" tạp chí, tôi đề nghị các đồng chí khẩn trương lên, phát triển loại hình này nhưng đồng thời khắc phục được nhược điểm, sai phạm của loại hình này.
Đồng thời trong chuyện khen thưởng và kỷ luật là phải gắn liền. Tôi có đề nghị, các đồng chí thực hiện nghiêm túc, lần này sẽ có tác dụng đó là trong thời gian vừa qua chúng ta khen nhiều nhưng mà suy đi nghĩ lại khen cũng có tác dụng nhưng mà xử lý nghiêm khắc còn có tác dụng mạnh mẽ hơn. Khen thưởng phải gắn với xử lý, kỳ này nêu 12 cơ quan báo chí bị sai sót nghiêm trọng, xử lý trong thời gian vừa qua có nhiều sai sót, là những cá nhân, cơ quan chủ quản liên quan.
Đồng thời, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí. Khắc phục tối đa bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác. Bây giờ rút thẻ không được hành nghề bác sỹ, nhưng rút thẻ nhà báo thì sao? Rồi một số cơ quan kể cả phóng viên vi phạm pháp luật, bị khởi tố, có án tích vẫn sử dụng lại làm bộ phận biên tập…
3. Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm. Trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Đánh giá hai năm triển khai thực hiện luật Báo chí 2016 là cần thiết. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi; phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới; đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian lâu dài.
4. Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017, chúng ta đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp với các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan. Sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển.
Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn nhiều hơn nữa.
Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp "hỗ trợ, hợp tác truyền thông".
Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ta thán, xã hội vừa sợ vừa khinh miệt bằng những từ như "phóng viên đếm tầng", "phóng viên IS"…, ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo.
Tư duy, cách làm đó không những không thể giải quyết căn cơ vấn đề kinh tế báo chí, mà còn trái tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tiêu cực tới nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng; là nguyên nhân cơ bản tiếp diễn tình trạng giật gân, đưa ra các sản phẩm báo chí dưới tầm văn hóa trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện cơ chế tự chủ thì "Không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt". Nhưng, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị. Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất.
Do vậy, không thể chậm trễ hơn nữa, trong năm này, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Ba là, công tác Hội Nhà báo Việt Nam: Những kết quả quan trọng, toàn diện của công tác Hội năm 2018 rất đáng hoan nghênh. Hội nhà báo Việt Nam, các cấp hội đã có nhiều cố gắng ở cả hai mảng: chuyên môn, nghiệp vụ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên và người làm báo.
Về nghiệp vụ: Hội đã làm tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng Giải Báo chí quốc gia; Hội báo toàn quốc được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, có ý nghĩa như cuộc biểu dương lực lượng và tôn vinh những người làm báo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa đầu xuân. Tiếng nói của Hội Nhà báo trong năm qua kịp thời hơn, nhất là đối với những vấn đề liên quan quyền tác nghiệp đúng luật pháp của hội viên, nhà báo. Là tổ chức chủ động áp dụng kỹ thuật rà soát việc gỡ bài, từ kết quả tích cực ban đầu, năm qua, công việc này tiếp tục được duy trì với sự phân tích số liệu, thông tin cụ thể hơn, trở thành một trong những giải pháp quan trọng khắc phục căn bản tình trạng gỡ, sửa bài tùy tiện, tiêu cực. Nhưng những người làm báo chân chính, công chúng và dư luận cũng đang bức xúc trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những "sai phạm về nghiệp vụ" tinh vi, có chủ ý, thậm chí có dấu hiệu "theo đặt hàng" của một số nhà báo và cơ quan báo chí. Phải chăng, đây cũng là những hành vi trục lợi, lợi ích nhóm, tham nhũng trong một bộ phận những người làm báo? Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam phải đấu tranh chống các nhà báo sa lông, ngồi phòng máy lạnh "cào bàn phím" xào nấu tin bài, áp đặt, suy diễn chủ quan vào các "nhân vật" hư cấu....
Tôi thấy ý của đại diện báo Zing nói ngôn từ sâu sắc, điều kiện CNTT phát triển làm cho nhà báo không chịu năng nổ về hiện trường, không xuống thực tế, không cảm nhận được cảm xúc của xã hội, không thấy dòng chính trong tích cực… ngồi thông qua chat, thông qua xào nấu tin bài của mạng xã hội, qua đặt hàng, hình thành những bài vô cảm, tự dựng lên những nhân vật, sai sót về nghiệp vụ không thể chấp nhận được. Cỡ tờ Tuổi Trẻ mà còn sai sót đưa thông tin họa sĩ được vinh danh trên đại lộ Danh vọng. Tiền Phong đóng góp như thế mà viết 1 bài báo phê phán nói rằng một kỹ sư xây dựng cho rằng như thế này thế kia, nội dung quy chụp người khác. Cái đó đâu phải bảo vệ nguồn tin, cái đó tự hư cấu nhân vật, rồi quy chụp, áp đặt người khác, chúng ta làm sao chấp nhận được điều đó. Có những tờ báo cũng nói dư luận đòi hỏi đưa ông này ông kia vào lò, dư luận nào, báo chí có quyền nhân danh dư luận nào. Cho nên đây cũng là việc chúng ta phải chống, chống từ trong nghiệp vụ, đạo đức tới cảm nghĩ.
Bên cạnh việc chống đó thì chúng ta cổ vũ nhà báo, phóng viên bám sát cuộc sống sinh động, tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những điển hình tiêu biểu, phản ánh những điểm sáng tích cực, kể những câu chuyện hay về công dân, nông dân, tri thức, doanh nghiệp, sự hy sinh của người lính… hướng con người ta đến những điều tốt đẹp; đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiệp vụ, đồng thời, phải gắn liền phê phán mạnh mẽ, quyết liệt về sự yếu kém, dễ dãi trong nghiệp vụ của những người viết báo, những cơ quan báo chí.
Hôm nay tôi phê phán 2 tờ Tuổi Trẻ và Tiền Phong, dù có nhiều đóng góp nhưng đáng lẽ chúng ta phải nghiêm túc về nghiệp vụ. Tôi nói như thế không phải hàng trăm tờ báo khác là các anh không có vi phạm, rồi từng bước nghiêm khắc xử lý. Rõ đến đâu, chắc đến đâu sẽ xử lý tới đó.
Về giáo dục đạo đức nghề nghiệp, cùng với quán triệt, động viên hội viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc luật Báo chí, các quy định của pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trăn trở trước một số biểu hiện có biểu hiện phức tạp trong hoạt động báo chí, Hội nhà báo Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành Quyết định về việc sinh hoạt hội của hội viên là phóng viên thường trú tại tổ chức Hội địa phương; đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 (cụ thể hóa điều 5 của 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam).
Việc làm đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Hội nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của những người làm báo nước ta - trong điều kiện mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng Internet phát triển, tác động sâu rộng đến xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí. Những quy định giàu tính thực tiễn nêu trên sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm phóng viên thường trú, quản lý tốt hơn các cơ quan đại diện và cộng tác viên báo chí. Với bối cảnh, tình hình dự báo có nhiều phức tạp trong đời sống báo chí trong năm 2019, Hội nhà báo Việt Nam cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa các công việc quan trọng trên.
Tôi nhớ kỷ niệm năm trước, tôi đã nói báo chí phê phán người ta... nhưng tôi thấy rằng nhiều phóng viên viết bài trên báo mình rất hay nhưng rời khỏi toà soạn viết trên mạng xã hội là như con người đa nhân cách. Một mặt viết trên báo đào hoa phong nhã, tư cách sáng ngời, lên mặt phê bình người này, dạy dỗ người khác nhưng khi viết trên mạng cũng không thua kém người vô bổ vô thực, chửi tục nói phét. Sắp tới đây những nội dung đó nếu không phải quan điểm của tờ báo thì Hội sẽ xử, nhưng Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin - Truyền thông nghiên cứu xử theo hướng, anh là lãnh đạo cơ quan báo chí, chủ quản báo chí, anh phải cam kết những nội dung này có phải là quan điểm của tờ báo hay không, có phải của cơ quan hay không, nếu không phải là xử lý. Còn nếu như các anh muốn lựa chọn phương án đó thì xin mời các anh ra làm tự do. Chúng ta phải tôn trọng và góp phần thực hiện nghiêm túc.
Đồng thời, Hội cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo.

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, tôi cảm ơn tinh thần làm việc nghiêm túc của các đồng chí đại biểu. Mong rằng, với tinh thần khẩn trương, các đồng chí sẽ triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác báo chí năm 2019.Thực ra những án quyết phê phán về đạo đức của Hội thời gian qua là chưa tương xứng với sai phạm, sai phạm nhiều lắm, nhan nhản, nhưng phán quyết về đạo đức chúng ta còn ít lắm. Đọc bài báo biết là đằng sau cái gì, những cái đó Hội phải đưa phán quyết tương xứng.
Tôi cũng biểu dương Ban Tổ chức hội nghị đã làm tốt công tác chuẩn bị; Ban quản lý Nhà khách Hồ Tây đã hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội nghị đạt kết quả. Chúc các đồng chí đại biểu và đội ngũ những người làm báo cả nước có thêm nhiều thành công trong năm mới 2019.
Xin trân trọng cảm ơn!

PHÊ PHÁN NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 PHOTOGRAPHER NGUYỄN VĂN LUẬN ẢNH: CÂY TRÂM CÔ ĐƠN Ở HOÀ THÀNH