Trong di sản lý luận kinh điển đồ sộ và uyên bác của C.Mác, bộ sách “Tư bản” mà Người coi là sự nghiệp của cả đời mình và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C.Mác và Ph.Ăng-ghen xuất bản lần đầu vào năm 1848, là những tác phẩm bất hủ, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới.
Trên lĩnh vực triết học, “triết học của Mác là một chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại”[2]. C.Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng trở nên hoàn chỉnh, từ chỗ nhận thức thế giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người. “Giống như Đác-uyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, C.Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”[3] và đây là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của C.Mác đối với nhân loại, như V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”[4].
|
C.Mác. Ảnh: Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) |
Trên lĩnh vực kinh tế chính trị, C.Mác đã vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu và chỉ ra những quy luật kinh tế, quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản. C.Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư - “quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra”[5]; chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu, mẫu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, mà “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu”[6]. Đánh giá về khám phá vĩ đại trên của C.Mác, V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”[7].
Về chủ nghĩa xã hội khoa học, C.Mác đã phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của xã hội, chỉ rõ giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử tiêu diệt chế độ tư bản, sáng tạo ra xã hội mới. Người khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[8]…
Với hệ thống lý luận hoàn chỉnh gồm ba bộ phận cấu thành là Triết học Mác-xít, Kinh tế chính trị Mác-xít và Chủ nghĩa xã hội khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã xây dựng nên một thế giới quan khoa học, phương pháp luận cách mạng để nhận thức và cải tạo thế giới, như V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[9]. Qua đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã tìm thấy trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen vũ khí lý luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, hướng tới một tương lai xán lạn.
Trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, V.I.Lênin đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, bổ sung, phát triển, làm phong phú chủ nghĩa Mác về nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, như lý luận về chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản; lý luận về chiến lược và sách lược của giai cấp vô sản trong thời đại mới; lý luận về vấn đề dân tộc, thuộc địa, về phong trào giải phóng dân tộc; lý luận về vai trò của đảng và nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã hiện thực hóa chủ nghĩa Mác bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Liên Xô đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo, quốc phòng, an ninh…, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và có nhiều đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã trở thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa; nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh đã giành được độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển… Đó chính là những thành quả rực rỡ mà chủ nghĩa Mác-Lênin đem lại.
Đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành sức mạnh vật chất và di sản tinh thần quý báu, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trên con đường đi tìm chân lý cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa gắn chặt với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Ngay từ đầu năm 1923, Người đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc…”[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình; luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lâm vào thoái trào. Đây là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và tiến hành cải cách, đổi mới.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Đảng ta luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì đường lối đổi mới, coi đây là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta rằng, cùng với sự phát triển của thời đại, chúng ta càng phải kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; xác định rõ đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn; đổi mới không phải là xa rời, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới. Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong suốt 88 năm qua là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về giá trị bền vững, sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta ôn lại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những cống hiến vĩ đại của Người đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Khẳng định giá trị quý báu và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin không phải ở chỗ cung cấp lời giải cho mọi vấn đề mà là trang bị phương pháp luận, thế giới quan khoa học để giải quyết đúng đắn yêu cầu, nhiệm vụ do thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra, như V.Lênin đã khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu như họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi…”[11].
Đây cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển, đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ động nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các thành tựu khoa học xã hội tiên tiến trên thế giới. Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, tập trung vào các vấn đề: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy và thực hành quyền dân chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phân công và giám sát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; những vấn đề thực tiễn và lý luận đang đặt ra cấp bách trong thời đại ngày nay…
Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về phát huy và thực thi dân chủ trong Đảng, nâng cao tầm trí tuệ và văn hóa, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác những luận điệu, tư tưởng phản động, cơ hội.
Chủ nghĩa Mác do C.Mác, Ph.Ăng-ghen sáng lập cách đây gần hai thế kỷ, được V.I.Lênin phát triển lên một tầm cao mới, mang ý nghĩa cách mạng vĩ đại, vô cùng lớn lao trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Đến nay, “C.Mác vẫn được coi là người có ảnh hưởng nhất”[12], những nguyên lý cơ bản do những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đề ra, mà nền tảng là thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, vẫn mãi mãi soi đường cho nhân loại tiến bộ đi tới tương lai tốt đẹp hơn.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững niềm tin son sắt vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn, chúng ta quyết tâm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, năng động và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 19, tr. 502.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 54.
[3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 19, tr. 499.
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 53.
[5] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 19, tr. 500.
[6] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 613.
[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 55.
[8] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 628.
[9] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 50.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 1, tr. 461.
[11] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 4, tr. 232.
[12] Tô-ni Ben: A future for socialism (Tương lai của chủ nghĩa xã hội), Nxb Ha-pơ Cô-lin, 1991, tr. 62.
GS, TS TRẦN ĐẠI QUANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam