Chuyên đề 14.
CÓ PHẢI QUÂN ĐỘI PHẢI LÀ LỰC LƯỢNG TRUNG LẬP?
GS.TS. TRẦN VĂN PHONG*
Có ý kiến cho rằng, quân đội phải là lực lượng trung lập "phi chính trị hóa", chỉ tuân theo pháp luật. Đây là ý kiến cố tình ngụy biện nhằm lôi kéo, đánh lạc hướng những người nhẹ dạ, ít am hiểu lý luận. Ý kiến này vô cùng nham hiểm, bởi lẽ, bằng cách này, họ muốn đối lập, tách Đảng Cộng sản khỏi vai trò lãnh đạo quân đội; xóa nhòa bản chất giai cấp của quân đội. Trên cơ sở đó, làm lung lạc, chuyển hướng ý chí của những quân nhân cách mạng, từng bước làm suy yếu, tiến tới vô hiệu hóa Quân đội nhân dân cách mạng. Ý kiến này còn nguy hiểm ở chỗ làm ra vẻ nhân danh pháp luật để đạt mục đích "phi chính trị hóa" quân đội. Luận điểm này là không khoa học, phản cách mạng, thiếu căn cứ lý luận và căn cứ thực tiễn, thể hiện ở những luận điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, chúng ta đều rõ, nhà nước chỉ ra đời trong xã hội có giai cấp đối kháng và mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Nhà nước ra đời nhằm điều hòa mâu thuẫn giai cấp, nó dường như đứng ngoài các giai cấp để điều hòa mâu thuẫn giai cấp. Nhưng về bản chất, nhà nước là công cụ thống trị chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế, là cơ quan quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về mặt kinh tế nhằm duy trì trật tự xã hội hiện hành, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trấn áp sự phản kháng của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Nhà nước mang tính giai cấp không chỉ bắt nguồn từ mong muốn chủ quan của giai cấp cầm quyền, mà còn chủ yếu là do cơ sở kinh tế quy định, bởi vì, nó là công cụ thống trị của giai cấp thống trị về kinh tế. Chính vì vậy, dù có chủ trương hay không có chủ trương xây dựng nhà nước theo đường lối giai cấp, thì nhà nước vẫn mang tính giai cấp. Giai cấp nào thống trị về kinh tế sẽ nắm quyền lực nhà nước, dù trong xã hội có nhiều giai cấp khác nhau.
Từ bản chất giai cấp của nhà nước này mà mọi nhà nước, kể cả nhà nước tư sản ngoài chức năng xã hội thì đều có chức năng giai cấp hay còn gọi là chức năng chính trị. Để thực hiện chức năng giai cấp, chức năng chính trị là duy trì sự thống trị của giai cấp mình, thực hiện liên minh với các giai cấp khác, đấu tranh chống lại những giai cấp, tầng lớp đối địch,... thì mọi nhà nước đều cần có công cụ bạo lực của mình như quân đội, cảnh sát, nhà tù, tòa án,...
Do vậy, mọi nhà nước dù là nhà nước chiếm hữu nô lệ hay nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản thì đều có công cụ bạo lực của mình, có lực lượng vũ trang của mình. Điều đó chứng tỏ rằng, quân đội ra đời gắn liền với sự ra đời của nhà nước, khi mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Điều đó cũng chứng tỏ, ngay từ khi mới ra đời thì quân đội đã mang tính giai cấp và do nhà nước của giai cấp thống trị về kinh tế lập nên. Do vậy, không có quân đội chung chung, trừu tượng, tách rời khỏi nhà nước và giai cấp thống trị về kinh tế trong nhà nước đó. Nói khác đi tính giai cấp, mục tiêu, lý tưởng của quân đội là do giai cấp thống trị về kinh tế trong nhà nước ấy quyết định. Tính giai cấp của nhà nước quy định tính giai cấp của quân đội; mục tiêu của nhà nước quy định mục tiêu của quân đội; chức năng của quân đội phụ thuộc vào chức năng của nhà nước thành lập ra nó và nuôi dưỡng nó. Do vậy, không cần phải chứng minh là quân đội trong nhà nước chiếm hữu nô lệ thì bảo vệ giai cấp chủ nô; quân đội trong nhà nước phong kiến thì bảo vệ giai cấp phong kiến; quân đội trong nhà nước tư sản thì nhất định phải bảo vệ nhà nước tư sản, bảo vệ giai cấp tư sản; quân đội trong nhà nước vô sản thì nhất định phục vụ nhà nước vô sản, bảo vệ giai cấp vô sản và nhân dân lao động.
Thứ hai, lịch sử quân đội của nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến và nhà nước tư sản đều cho thấy chúng là công cụ giúp các nhà nước bóc lột, củng cố chế độ áp bức, bóc lột đối với người lao động, duy trì chế độ bóc lột và tiến hành xâm lược các dân tộc khác. Trong nhà nước chiếm hữu nô lệ, quân đội được thành lập để bảo vệ giai cấp chủ nô, đàn áp nô lệ và là công cụ giúp giai cấp chủ nô xâm lược đất đai, lãnh thổ của các thành bang khác. Trong nhà nước phong kiến, quân đội là công cụ bảo vệ giai cấp địa chủ phong kiến, đàn áp nông nô, chinh phục các vùng lãnh thổ giàu có khác. Trong nhà nước tư sản, quân đội là công cụ bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản, đàn áp phong trào công nhân, xâm lược các dân tộc khác. Lịch sử cho thấy rất nhiều nước Mỹ Latinh đã từng là thuộc địa của nhiều nước tư bản như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp,... do quân đội các nước này tiến hành xâm lược. Ngay Việt Nam, Lào, Campuchia cũng từng là thuộc địa của thực dân Pháp, do quân đội Pháp tiến hành xâm lược. Ở nhiều nước tư bản phát triển như Anh, Mỹ, Pháp..., quân đội không chỉ là công cụ bảo vệ nhà nước tư sản mà còn là công cụ để giai cấp tư sản sử dụng lật đổ, can thiệp quân sự, xâm lược các quốc gia khác nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên ở nơi chúng đến các chính phủ thân phương Tây, theo mô hình phương Tây, có lợi cho phương Tây. Nhà nước Mỹ xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài và thực tế từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ liên tục can dự vào đời sống chính trị của nhiều nước có độc lập, chủ quyền, kể cả tiến hành chiến tranh ở Nam Tư, Ápganixtan, Irắc, Libi, Xyria...
Thực tiễn lịch sử thế giới đã chứng tỏ, quân đội của các nước tư bản chủ nghĩa không bao giờ "trung lập về chính trị", đứng ngoài chính trị mà luôn thực hiện chức năng công cụ thống trị của giai cấp tư sản. Ai không hiểu điều này hoặc là giả vờ ngây thơ, hoặc là cố tình xuyên tạc lịch sử. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, trên thực tế có một số nước tư bản có nhiều đảng phái và trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, họ muốn quân đội tạm thời không can thiệp vào các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực của các đảng phái đó. Vì thực tế cho thấy, có rất nhiều cuộc đảo chính quân sự xảy ra và các nhà quân sự cũng muốn có quyền lực và chiếm chính quyền dân sự. Nhưng điều này không có nghĩa là quân đội không thực thi ý chí của giai cấp nuôi dưỡng nó. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói về quân đội trong nhà nước bóc lột tư sản, V.I.Lênin đã khẳng định: "Quân đội thường trực ở bất cứ đâu và trong mọi nước đều chủ yếu dùng để chống kẻ thù bên trong hơn là để dùng chống lại kẻ thù bên ngoài, ở bất cứ đâu quân đội thường trực cũng trở thành công cụ của thế lực phản động, tôi tớ của tư bản trong cuộc đấu tranh chống lại lao động, cũng là tên đao phủ đối với tự do của nhân dân" .
Thứ ba, quân đội của nhà nước vô sản - nhà nước xã hội chủ nghĩa là quân đội cách mạng, quân đội mới, khác hẳn về bản chất so với quân đội của các nhà nước bóc lột. Quân đội cách mạng có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng của giai cấp vô sản. Đây là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra và phục vụ nhân dân. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin công khai khẳng định tính giai cấp của quân đội cách mạng, quân đội nhân dân: "Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản" . Quân đội của nhà nước xã hội chủ nghĩa không có nhiệm vụ nào khác là bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và bảo vệ Đảng của giai cấp công nhân. Quân đội của nhà nước xã hội chủ nghĩa không đi xâm lược các dân tộc khác, chỉ thực hiện nhiệm vụ quốc tế vô sản khi các dân tộc anh em yêu cầu giúp đỡ. Ở Việt Nam, đội "Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân" được thành lập ngày 22-12-1944 là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất phát từ nhu cầu chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập dân tộc chứ không vì mục đích nào khác. Do vậy, trong 10 lời thề của đội "Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân", chúng ta thấy có hai lời thề thể hiện rất rõ bản chất của đội quân này. Lời thề thứ nhất: "Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước dân chủ, độc lập, tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới". Lời thề thứ chín: "Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân", "không dọa nạt dân", "không quây nhiễu dân" và ba điều nên: “kính trọng dân", "cứu giúp dân", "bảo vệ dân". Để gây lòng tin cậy của dân chúng, thực hiện "quân dân nhất trí" cứu nước diệt gian". Như vậy, mục đích ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam là đánh đuổi xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc và bảo vệ nhân dân chứ không như mục tiêu của quân đội ở các nhà nước bóc lột.
Lịch sử hơn 70 năm rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngoài mục tiêu bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và bảo vệ Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam không có mục đích nào khác. Do vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa mang tính giai cấp công nhân, vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính nhân dân. Nghĩa là, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội phục vụ giai cấp, phục vụ dân tộc và phục vụ nhân dân. Điều 65, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng khẳng định rõ: "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Chính vì vậy, Điều 66, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng ghi rõ: "Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng". Đồng thời, Điều 67 quy định: "Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm". Điều này cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam vốn từ khi ra đời và trải qua hơn 70 năm rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành cho đến nay luôn mang bản chất giai cấp công nhân. Những ai phủ định bản chất giai cấp, bản chất chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là không có căn cứ, là phi lịch sử.
Thứ tư, những ai tuyên truyền cho việc “phi chính trị hóa” quân đội là tìm cách đối lập tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam vừa thể hiện bản chất giai cấp công nhân, vừa mang tính dân tộc lại vừa mang tính nhân dân. Tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam thống nhất hữu cơ với nhau, bởi lẽ, trên lập trường của giai cấp công nhân, Quân đội nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giai cấp công nhân Việt Nam không có lợi ích nào khác với lợi ích của dân tộc Việt Nam và của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Quân đội nhân dân Việt Nam cũng vậy, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân không thể không bảo vệ lợi ích chân chính của Tổ quốc cũng như lợi ích chân chính của nhân dân. Những ai rêu rao "phi chính trị hóa" quân đội là muốn đối lập dân tộc với nhân dân, dân tộc với Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này vừa không khoa học, vừa thiếu thực tiễn lịch sử, vừa không có đạo lý. Không khoa học bởi lẽ, thực tế giai cấp công nhân Việt Nam từ khi ra đời đã luôn thống nhất với Tổ quốc Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phù hợp thực tiễn lịch sử bởi lẽ, trước khi giai cấp công nhân Việt Nam giương ngọn cờ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì đã có nhiều phong trào chống giặc ngoại xâm nhưng đều thất bại. Chẳng hạn như phong trào Cần Vương - đại diện cho giai cấp vua chúa - phong kiến Việt Nam; phong trào Đông Du - đại diện cho tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam khi ấy; Hoàng Hoa Thám - đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam; Đội Cấn - đại diện cho binh sĩ; Nguyễn Thái Học - đại diện cho tư sản dân tộc Việt Nam đều đã thất bại. Không phù hợp đạo lý vì họ muốn đem giai cấp công nhân Việt Nam đối lập với dân tộc Việt Nam; nhân dân Việt Nam đối lập với dân tộc Việt Nam và nhân dân Việt Nam đối lập với công nhân Việt Nam. Nghĩa là họ muốn dân tộc Việt Nam rối loạn, mâu thuẫn chia rẽ và làm tiền đề cho giặc ngoại xâm dễ bề xâm lược. Điều này là đi ngược lại truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc ta và cũng không phù hợp với thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, trải qua hơn 70 năm rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược mạnh hơn chúng ta nhiều lần, giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và bảo vệ Đảng. Trong những cuộc đấu tranh anh dũng ấy đã có hàng triệu bộ đội, công an, thanh niên xung phong, nhân dân - những người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những ai muốn và rêu rao phải "phi chính trị hóa" quân đội hẳn là những người chưa tham gia vào bất cứ cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nào và cũng không hề hy sinh giọt máu nào cho các cuộc kháng chiến ấy. Bởi lẽ, khẳng định việc "phi chính trị hóa" quân đội chẳng khác nào đã xúc phạm sự hy sinh cao cả của hàng triệu người con yêu nước Việt Nam, xúc phạm bao thế hệ cha, anh đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho nền độc lập ngày hôm nay của dân tộc. Muốn "phi chính trị hóa" quân đội thực chất là muốn dân tộc ta lại rơi vào sự phụ thuộc của ngoại bang. Những người tuyên truyền cho tư tưởng này hẳn phải xem lại có nguồn gốc con Lạc cháu Hồng không? Rõ ràng, không thể nhân danh lòng yêu nước để có thể thích xuyên tạc gì thì xuyên tạc.
Thứ sáu, chúng ta tôn trọng và khuyến khích các ý kiến gợi mở, những tranh luận thẳng thắn, những đề xuất có giá trị giúp cho việc xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nhưng chúng ta luôn lấy tiêu chí "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm thước đo đánh giá các ý kiến gợi mở, những tranh luận thẳng thắn, những đề xuất giúp xây dựng đất nước. Ý kiến "phi chính trị hóa" quân đội rõ ràng không phải là một hiến kế có giá trị mà ngược lại. Bởi từ chính lịch sử của quân đội xôviết, chúng ta đã rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc. Hồng quân Liên Xô được V.I.Lênin, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức, giáo dục, rèn luyện đã từng là quân đội cách mạng bậc nhất thế giới. Nhờ có Hồng quân Liên Xô, nhân loại đã thoát khỏi ách thống trị quân phiệt Nhật, phát xít Đức. Nhờ Hồng quân Liên Xô mà thành trì của chủ nghĩa xã hội, của hòa bình, tiến bộ được bảo vệ,... Nhưng do sai lầm của một số người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Liên Xô đã thực hiện "phi chính trị hóa" Hồng quân, bỏ chức trách chính ủy trong quân đội, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ngay việc cựu Tổng thống Liên bang Nga, B.Yeltsin sử dụng lực lượng xe tăng nã pháo vào tòa nhà Quốc hội ngày 04-10-1993, nơi đang có những người chống đối ông ta ẩn nấp để giải quyết sự đối đầu và mâu thuẫn giữa ông ta với Quốc hội đã nói lên luận điểm "phi chính trị hóa" quân đội là phi thực tế, nhưng rất nham hiểm. Do vậy, luôn luôn phải thấm nhuần những căn dặn của V.I.Lênin về bản chất chính trị của quân đội: Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được; "Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản"1.
Như vậy có thể khẳng định quan điểm, ý kiến cho rằng, quân đội phải là trung lập là nhằm "phi chính trị hóa" quân đội, trên cơ sở đó tìm cách loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội. Đồng thời, họ tìm cách đối lập quân đội, với nhân dân, với dân tộc và Đảng Cộng sản; đồng nhất quân đội tư sản với quân đội nhân dân cách mạng. Những luận điểm này vừa phản khoa học, vừa không phù hợp với thực tiễn và lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt cùng với toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị là yêu cầu cơ bản, thường xuyên, trọng yếu, làm cơ sở để nâng cao bản chất giai cấp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang của ta.
1. V.I.Lê nin:Toàn tập, Sđd,t.12, tr.136
Biên tập: Hà Phương Nga - Ngô Tuấn Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét