PHÊ PHÁN QUAN ĐIẾM CHO RẰNG:
"CHỈ CÓ THỂ CHỐNG ĐƯỢC THAM NHŨNG KHI THỰC HIỆN
THỂ CHẾ "TAM QUYỀN PHÂN LẬP" ĐỂ KIỂM SOÁT QUYỂN LỰC"
Đại tá, TS. MẪN VĂN MAI[1]
Tham nhũng đang là tệ nạn nhức nhối của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tham nhũng là sự bất công xã hội lớn, gây vô vàn tác hại cho đất nước và nhân dân, là ung nhọt cần loại bỏ.
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có thái độ kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như các tệ nạn và tiêu cực xã hội khác. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ, thách thức đe dọa đến vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đến sự tồn vong chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta.
Những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức trong xã hội về phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Nhà nước đã ban hành Luật Phòng, Chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí; tăng cường tổ chức và đổi mới hoạt động của các ban chỉ đạo và cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương. Những vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xét xử nghiêm minh. Vai trò của nhân dân, dư luận xã hội, của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng được phát huy.
Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta cũng chỉ rõ, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tham nhũng vẫn là vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội, gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ta chỉ rõ: "đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài"[2].
Lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế nhất là tâm trạng bức xúc của nhân dân trước nạn tham nhũng, một số người đưa ra quan niệm cho rằng "chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập" để kiểm soát quyền lực"(!).
Phải chăng là "chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập"?". Chúng tôi không cho là như vậy, vì đó là sự khẳng định có tính tuyệt đốỉ hóa và cực đoan, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì:
Trước hết, thể chế "tam quyền phân lập" không ngăn ngừa được sự nảy sinh nạn tham nhũng. Trên thế giới hiện nay, các nước tư bản hầu hết vận dụng thuyết "tam quyền phân lập" trong xây dựng, tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước với nhiều biến thể khác nhau như cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện, quân chủ lập hiến...
Thuyết "tam quyền phân lập" được hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống chế độ quân chủ chuyên chế, tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản, thành lập nhà nước tư sản. Kế thừa tư tưởng của một số nhà triết học cổ đại, các nhà tư tưởng, chính trị, triết học ở châu Âu, mà đại diện tiêu biểu là John Locke (1632-1704) người Anh, Montesquieu (1689-1755) người Pháp, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) người Pháp là những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển thuyết "tam quyền phân lập". Theo đó, để ngăn chặn tình trạng lạm quyển, chuyên quyền, quyền lực nhà nước cần được phân chia thành 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyển này có tính độc lập song có mối quan hệ kiềm chế, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền này theo cả chiều dọc và chiều ngang trong hệ thống quyền lực nhà nước tư bản.
Nhân đây cũng cần chỉ ra rằng, các quốc gia lựa chọn hình thức, thể chế nhà nước nào là do sự quy định, chi phối của bản chất chế độ xã hội, hoàn cảnh lịch sử cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia đó. Ngay trong các quốc gia tư bản hiện đại vẫn tồn tại các biến thể khác nhau như đã nói ở trên về thể chế, hình thức tổ chức quyền lực nhà nước. Song, dù thể chế, hình thức tổ chức quyền lực nhà nước như thế nào thì quyền lực nhà nước đó thực chất vẫn là quyền thống trị xã hội của giai cấp tư sản cầm quyền, mặc dù bao giờ nó cũng được nhân danh xã hội là quyền lực của nhân dân. Do đó, bản chất quyền lực thống trị của giai cấp tư sản là không chia sẻ, đó vẫn là ý chí, là sức mạnh, công cụ để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản và duy trì trật tự xã hội trong khuôn khổ trật tự tư bản. Sự phân quyền theo quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thật ra chỉ là sự phân chia về mặt thực thi quyền lực thống trị tối cao của giai cấp tư sản theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận khác nhau về chuyên môn trong bộ máy nhà nước để tạo nên sự giới hạn và cân bằng của các nhánh quyền lực trong một chỉnh thể thống nhất. Điều này đã được Jean-Jacques Rousseau chỉ ra khi ông viết: "Những bộ phận quyền hành được chia tách ra đều phụ thuộc vào quyền lực tối cao" và "mỗi bộ phận chỉ thực hiện ý chí tối cao đó". Vì vậy, sự phân quyền chỉ mang nặng tính hình thức. Thực tế lịch sử nhà nước tư bản cho thấy, "tam quyền phân lập" cũng không ngăn chặn được sự chuyên quyền, sự hình thành và tác oai, tác quái của chế độ độc tài phát xít. Ví dụ như chế độ phát xít Đức, Ý, Nhật, chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid (Nam Phi), chế độ độc tài Park Chung Hee (Hàn Quốc), F.Marcos (Philíppin), Pinochet (Chilê) và ở nhiều quốc gia khác dưới thể chế tam quyền phân lập. Trong nhà nước tư sản hiện đại, thể chế "tam quyền phân lập" đi liền với chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nên tính hình thức của phân quyền này lại che đậy được phần nào dễ gây nên những ảo tưởng rằng các nhánh quyền lực này đối trọng nhau. Chẳng qua, sự đối trọng đó chỉ là sự đối trọng của các nhóm lợi ích về thực thi quyền lực nhà nước tư bản mà đại diện là các đảng chính trị tư sản, chứ không phải là đối trọng về lợi ích và quyền lực thống trị của giai cấp tư sản.
Thể chế "tam quyền phân lập" không loại trừ được nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tham nhũng, dù nó có thể kiềm chế được phần nào.
Tham nhũng xảy ra ở nơi những tổ chức, cá nhân có chức, có quyền khi hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, chế độ chưa đủ, chưa kín kẽ, chưa chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch; sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra chưa duy trì thường xuyên và với các phương pháp, phương tiện tiên tiến hiện đại; dư luận xã hội và vai trò của quần chúng nhân dân, của báo chí truyền thông chưa được phát huy đầy đủ; xử phạt chưa nghiêm minh, tội phạm tham nhũng chưa bị trừng trị đích đáng tới mức "thân bại, danh liệt"; tiêu cực, tệ nạn xã hội tràn lan, suy thoái về đạo đức, văn hóa, lối sống; mỗi cá nhân có chức, có quyền không tu dưỡng, rèn luyện, còn tổ chức sao nhãng, buông lỏng giáo dục, quản lý…
Vậy thì làm sao mà "chỉ có thực hiện thể chế tam quyền phân lập" với sự phân quyền giữa ba nhánh quyền lực có thể xóa bỏ được tham nhũng khi nó không xóa bỏ được nguồn gốc, nguyên nhân nảy sinh tham nhũng?
Thực tế cho thấy, tham nhũng là vấn để toàn cầu, là tệ nạn xảy ra với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, thể chế quyền lực, hình thức nhà nước, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Theo bảng dữ liệu về tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố xếp hạng nạn tham nhũng của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có đại đa số các quốc gia theo thể chế "tam quyền phân lập" với các biến thể khác nhau. Đa số các nước Bắc Âu xếp vào tốp các nước tham nhũng ít. Các quốc gia khác, tiêu biểu về "tam quyền phân lập" vẫn có thứ hạng tham nhũng cao như Ôxtrâylia xếp thứ 13, Anh xếp thứ 10, Đức xếp thứ 10, Nhật Bản xếp thứ 20, Pháp xếp thứ 23, Mỹ xếp thứ 18.
Ở Đông Nam Á, trừ Xingapo thuộc tốp 10 nước ít tham nhũng, còn các nước khác như Malaixia xếp thứ 55, Thái Lan xếp thứ 101, Việt Nam xếp thứ 113, Philíppin xếp thứ 101, Inđônêxia xếp thứ 90, Campuchia xếp thứ 156; Mianma xếp thứ 136.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra nghiêm trọng với 2/3 quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các nước thực hiện thể chế "tam quyền phân lập". Điều đó đủ thấy quan điểm "chỉ có thực hiện "tam quyền phân lập" mới chống được tham nhũng" là thiếu cơ sở khoa học và phiến diện, cực đoan như thế nào.
Thứ hai, thể chế "tam quyền phân lập" không chỉ không có khả năng ngăn chặn tham nhũng xảy ra mà còn không thể là phương thức và giải pháp duy nhất để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Sự phân chia quyền lực theo cả chiều ngang (giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp) và theo chiều dọc (giữa trung ương và địa phương) có giá trị và tính tích cực nhất định trong chống tham nhũng. Nó tạo ra cơ chế kiềm chế, giám sát, đối trọng giữa các nhánh quyền lực, các cấp quyền lực; hạn chế sự lấn quyền, lạm quyền, tập trung quyền lực vào một cá nhân, tổ chức - một trong những nguyên nhân nảy sinh tham nhũng.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt tiêu cực của nó. "Tam quyền phân lập" tự thân nó không xóa bỏ được cơ cấu quyền lực, không xóa bỏ được chức vị, quyền lực của tổ chức, cá nhân trong cơ cấu quyền lực nói chung và mỗi nhánh quyền lực nói riêng mà còn tăng thêm quyền lực cho tổ chức, cá nhân mỗi nhánh quyền lực khi trao cho họ quyền độc lập cao hơn, quyền kiềm chế, giám sát, đối trọng với các nhánh quyền lực khác. Điều này có thể tác động tiêu cực đến đấu tranh chống tham nhũng như: trì hoãn, né tránh, phủ quyết các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng khi các hoạt động đó không phù hợp với lợi ích của nhóm mình. Ở các nước tư bản hiện nay, thể chế "tam quyền phân lập" gắn liền với chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thông thường, đảng nào chiếm đa số trong quốc hội thì đảng đó cầm quyền, còn các đảng thiểu số trở thành các đảng đối lập.
Như vậy, đảng chiếm đa số có quyền lập chính phủ (cơ quan hành pháp); cơ quan tư pháp cũng sẽ chịu sự chi phối về nhân sự và quan điểm của đảng cầm quyền (vừa nắm lập pháp, vừa nắm tư pháp). Giả sử đảng thiểu số đưa ra dự luật chống tham nhũng hoặc điều tra cá nhân của đảng cầm quyền, chắc rằng dự luật, kiến nghị đó sẽ bị phủ quyết để đảng cầm quyền bảo vệ cá nhân, tổ chức và uy tín của họ. Nếu được thông qua sẽ tiếp tục bị sự cản trở của bên hành pháp và tư pháp. Trường hợp tổng thống, thủ tướng (hành pháp) thuộc đảng chiếm thiểu số trong nghị viện, còn ở nghị viện, đảng chiếm đa số lại không nắm quyền hành pháp, thì việc thông qua các quyết định của các bên đối lập đưa ra sẽ rất khó khăn. Tình trạng này xảy ra rất rõ ràng và thường xuyên ở nước Mỹ hiện nay.
Cho nên, thể chế "tam quyền phân lập" không thể là cẩm nang thần kỳ mà chỉ có thực hiện thể chế đó mới chống được tham nhũng như ai đó đã cổ súy, rêu rao.
Ngoài ra, sự phân chia quyền lực theo chiều dọc còn tạo nên sự không thống nhất, đồng thuận giữa trung ương và địa phương, dễ tạo nên sự chia cắt, cục bộ giữa các vùng, lãnh thổ, giữa các cấp quyền lực, hạn chế sức mạnh của các lực lượng trong phòng, chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng muốn có kết quả phải sử dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp, giải pháp, phương tiện của các lực lượng xã hội, của cả hệ thống chính trị và toàn dân với quyết tâm chính trị rất cao và tiến hành thường xuyên, liên tục, được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để đấu tranh chống tham nhũng đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần tập trung giải quyết các vấn đề chủ yếu là: đặc biệt coi trọng công tác phòng, ngừa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, giáo dục, trong đó lấy giáo dục đạo đức là hàng đầu, tu dưỡng bản thân là cơ bản với trừng trị nghiêm khắc kẻ tham nhũng; hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tăng cường bộ máy nhà nước, pháp luật, pháp chế, kỷ cương, thực hiện công khai, minh bạch; xây dựng tổ chức chống tham nhũng trong sạch, vững mạnh, độc lập trong điều tra và khách quan trong xử lý; phát huy vai trò của các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm toán, giám sát trong phát hiện, điều tra, xử lý; thực hiện cả cơ chế giám sát của tổ chức và giám sát của xã hội, của quần chúng nhân dân; có quyết tâm phòng, chống tham nhũng trong cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với công chức, viên chức, nhất là tiền lương, đi đôi với tinh giản bộ máy, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng.
Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, khó khăn, lâu dài, phải dám đương đầu, dám chịu hy sinh, tổn thất, thậm chí tổn thất to lớn, do đó cần dũng khí và sự quả cảm. Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" chống tham nhũng ở Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Tập Cận Bình phát động cho thấy tham nhũng hoàn toàn có thể bị đẩy lùi nếu có quyết tâm cao và giải pháp đúng đắn. Đây cũng là một kinh nghiệm hữu ích mà Việt Nam có thể tham khảo.
Về tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp"[3]. Quan điểm đó phản ánh đúng hiện thực khách quan, đúng bản chất quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại, trong đó có giá trị tích cực của thuyết "tam quyền phân lập".
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể chế đó cho phép huy động cao nhất ý chí, quyền lực thống nhất thuộc về nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và các bộ phận trong hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đấu tranh chống tham nhũng đang là vấn đề quan trọng ở nước ta. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp toàn diện, cụ thể và có tính khả thi cao trong phòng, chống tham nhũng theo tình thần của hệ thống giải pháp làm cho người ta không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không thoát tội tham nhũng. Quyết tâm chính trị phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đang được triển khai sâu rộng và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Như vậy, có thể đánh giá quan điểm cho rằng "chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập" để kiểm soát quyền lực" không phải vì mục tiêu phòng, chống tham nhũng. Trái lại, thực chất của quan điếm này là nhân danh chống tham nhũng, lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để kích động đòi thay đổi thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Âm mưu, thủ đoạn đen tối đó chắc chắn không thể đánh lạc hướng được dư luận, tinh thần cảnh giác và sự tỉnh táo về chính trị của nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét