Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Chuyên đề 16. ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI MỌI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ VIỆT NAM XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI
PGS.TS. PHAN TRỌNG HÀO (Hội đồng Lý luận Trung ương).
Quy luật của chiến tranh là mạnh được - yếu thua, vì vậy, muốn duy trì và không ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội trong thời chiến và thời bình, vấn đề chăm lo xây dựng hậu phương quân đội là tất yếu khách quan. Đây vừa là một nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội ta, của nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, vừa là một truyền thống văn hóa dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đã được minh chứng và tỏa sáng trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc hàng nghìn năm qua. Hiện nay Đảng, Nhà nước ta kế thừa, tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò hậu phương quân đội trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Qua hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Quân đội nhân dân đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Những thành tựu xây dựng quân đội nói riêng và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh nói chung là biểu hiện sự phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, hậu phương quân đội đóng vai trò rất quan trọng. Việc Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chăm lo xây dựng hậu phương quân đội với những chính sách cụ thể, thiết thực, hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội, tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng bền vững nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng chính quy, hiện đại.
Trước những thành tựu xây dựng quân đội trong những năm qua, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá quyết liệt quân đội ta, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, vừa ngấm ngầm, vừa công khai. Chúng liên tục cổ súy cho các luận điệu đòi chuyên nghiệp hóa quân đội, "phi chính trị hóa" quân đội, hô hào quân đội là của nhà nước, không thuộc đảng phái nào. Các thế lực thù địch và những phần từ cơ hội, bất mãn tung ra quan điểm có vẻ khách quan, khoa học để lừa mị nhân dân khi cho rằng, trong thời chiến chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc mới có phân tuyến hậu phương - tiền tuyến, mới có chính sách riêng đối với quân đội và hậu phương quân đội; còn khi cả nước đã thống nhất, đặc biệt trong cơ chế thị trường không tồn tại vấn đề hậu phương quân đội (!); thậm chí chúng vin cớ Quân đội nhân dân Việt Nam điều động lực lượng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở khu vực khác trong khuôn khổ của Liên hợp quốc để tung ra luận điệu cho rằng toàn cầu hóa đã làm biến mất khái niệm hậu phương quân đội,... Những quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, bất mãn tung ra mang tính phản động phản khoa học cả về lý luận và không đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mục đích thâm độc của chúng hòng phá hoại chủ trương, chính sách chiến lược đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước ta về quân đội và hậu phương quân đội; qua đó nhằm gây rối loạn, mất ổn định, làm giảm sức mạnh chiến đấu của quân đội - một công cụ sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân và mọi thành quả cách mạng. Vì vậy, trong tình hình mới, việc đấu tranh vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ta về xây dựng hậu phương quân đội trên cả phương diện lý luận và phương diện thực tiễn là yêu cầu rất cấp thiết.
Trên phương diện lý luận, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đề cao vai trò xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò hậu phương quân đội trong xây dựng quân đội của giai cấp vô sản. Ph.Ăngghen, nhà quân sự lỗi lạc và người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản luôn nhấn mạnh đến vai trò của hậu phương vững chắc, có tổ chức để tạo nên sức mạnh quân sự của nhà nước trong bảo vệ Tổ quốc, chống thù trong, giặc ngoài; là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định sự thành bại của chiến tranh. Theo quan điểm của Ph.Ăngghen, chiến tranh phải dựa vào hậu phương hùng mạnh. Quân đội nào tách khỏi hậu phương thì không thể giành thắng lợi trong chiến tranh, không thể tồn tại được, bởi vì hậu phương là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học - kỹ thuật,...; là nơi cung cấp nhân lực, vật lực và là chỗ dựa chính trị - tinh thần cho các lực lượng ở tiền tuyến, song không phân biệt rạch ròi với tiền tuyến về mặt không gian. Ph.Ăngghen viết: "toàn bộ tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó, thắng lợi và thất bại, đều tỏ ra là phụ thuộc vào những điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí" . Đánh giá cao vai trò to lớn của hậu phương đối với tiến trình và kết cục thắng lợi của chiến tranh cách mạng, V.I.Lênin nhấn mạnh: Tiến hành một cuộc chiến tranh không tách rời với xây dựng một hậu phương có tổ chức vững chắc, nếu không, lập tức sẽ bị kẻ thù tiêu diệt, vì họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ.
Đề cập đến những yếu tố quyết định sức mạnh của hậu phương, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều đánh giá cao nhân tố chính trị - tinh thần, chỗ dựa vững chắc cho quân đội ở ngoài tiền tuyến. Sự chuyển hóa sức mạnh của các bên tham chiến từ yếu sang mạnh, hoặc ngược lại, phụ thuộc rất lớn vào những yêu tố như: tính chất của chiến tranh, trình độ giác ngộ của con người, năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến chiến tranh, chăm lo đến hậu phương của binh lính... V.I.Lênm chỉ rõ: "Trong chiến tranh, ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai có nhiều nguồn lực lượng hơn, ai kiên trì đi sâu vào quần chúng nhân dân hơn, thì người đó thu được thắng lợi" . Người cũng nhấn mạnh, muốn để hậu phương động viên được sức người, sức của cho kháng chiến, đồng thời là nguồn cổ vũ mạnh mẽ về chính trị, tinh thần cho các lực lượng chiến đấu trên chiến trường, phải trải qua một quá trình xây dựng, củng cố chế độ chính sách đối với gia đình binh lính. Đó là một quá trình thường xuyên tái tạo ra tiềm lực mới cả về vật chất lẫn tinh thần, từ nhân tố hậu phương đối với gia đình binh lính, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc chiến tranh. Các nhà kinh điển mácxít cũng chỉ ra những cấp độ và hình thức khác nhau của hậu phương; có hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ, có những căn cứ du kích, lại còn có "hậu phương lòng dân" - một phạm trù rộng bao hàm vấn đề hậu phương quân đội. Như vậy, xét trên phương diện lý luận tổng quát nhất, thì lực lượng cách mạng muốn xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng vững mạnh để sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, tất yếu phải xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh, trong đó "hậu phương lòng dân" giữ vai trò quyết định. Theo V.I.Lênin: không có một đội quân nào trên thế giới không có hậu phương vững chắc lại có thể chiến thắng được. Điều đó đã trở thành quy luật, làm cho các quan điểm, luận điểm của các thế lực thù địch xuyên tạc chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề "hậu phương lòng dân" trở nên lỗi thời.
Trên phương diện thực tiễn, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết sức coi trọng việc xây dựng và phát huy vai trò hậu phương quân đội, coi đó là nhân tố hết sức quan trọng, quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi có chiến tranh, phải huy động và tổ chức tất cả các lực lượng trong nước để chống giặc. Người nêu rõ: "Chiến sĩ hy sinh xương máu để giữ đất nước. Bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc.
Làm ra gạo thóc cho chiến sĩ ăn, làm ra vải vóc cho chiến sĩ mặc. Đều nhờ nơi đồng bào ở hậu phương...
Hậu phương thắng lợi, thì chắc tiền phương thắng lợi"1. Kế thừa truyền thống dân tộc và trên cơ sở vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng hậu phương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tranh thủ mọi thời gian, điều kiện vật chất, tinh thần cụ thể của hậu phương để có những chính sách phù hợp phục vụ trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ và gia đình thân nhân tham gia quân đội, cả trong thời bình cũng như thời chiến, bảo đảm để quân đội luôn trưởng thành vững mạnh, chiến thắng và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Đảng ta đã đặc biệt chú ý đến vai trò to lớn của hậu phương quân đội. Đó là hậu phương được tổ chức chặt chẽ theo đường 1ối đúng đắn, sáng tạo và bằng những biện pháp, chính sách có hiệu quả. Trong các cuộc chiến không cân sức, phải đối đầu với những kẻ thù nguy hiểm, có tiềm lực kinh tế, quân sự, quốc phòng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, thì việc tổ chức, huy động sức mạnh của toàn dân tộc và "phải có một hậu phương vững chắc" như V.I.Lênin đã từng nói, là hoàn toàn cần thiết. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về hậu phương quân đội trong kháng chiến chống xâm lược đã phát huy mạnh mẽ vai trò, tác dụng to lớn, toàn diện, góp phần động viên ý chí, niềm tin cho bộ đội trên chiến trường và gia đình họ ở hậu phương, trở thành một trong những nhân tố quyết định vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Khi đất nước bước vào thời bình, cả nước thống nhất cùng đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những bài học kinh nghiệm xây dựng quân đội, trong đó có chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại". Thế nhưng, có những quan điểm chống đối của các thế lực thù địch cho rằng, hậu phương quân đội chỉ tồn tại trong chiến tranh, còn thời bình làm gì còn khái niệm "hậu phương", "hậu phương quân đội", "hậu phương chiến sĩ", nó chỉ là gánh nặng cho xã hội phát triển (!). Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch tung ra một cách hằn học không ngoài mục đích phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, về vấn đề hậu phương quân đội, cũng như phủ nhận thực tiễn sống động quan điểm, chính sách xây dựng hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước ta từ sau năm 1975 đến nay.
Do đó, trước hết cần khẳng định, trong thời bình quân đội vẫn phải được tăng cường xây dựng vững mạnh về mọi mặt để sẵn sàng đối diện với chiến tranh nếu xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra gay gắt, khó lường như hiện nay. Rõ ràng, vấn đề xây dựng hậu phương quân đội là yếu tố rất cần thiết khách quan, là chỗ dựa, bệ đỡ điểm tựa cho quân đội để tạo nên và không ngừng tăng cường sức mạnh nội lực cho quân đội, tạo cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng xây dựng hậu phương quân đội. Những năm 80 của thế kỷ XX, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, với quan điểm "toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước", Đại hội VI
của Đảng đã xác định quan điểm: "xây dựng hậu phương đất nước một cách toàn diện"1. Đại hội VII của Đảng nhấn mạnh: "Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh"2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã có điều khoản quy định thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đại hội XII của Đảng nêu rõ: "Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân"3. Đó là những quan điểm nhất quán, hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình, trong đó rất chú trọng dựa vào lực lượng đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng quân đội và hậu phương quân đội vững chắc. Có thể nêu ra một số kết quả điển hình về xây dựng hậu phương quân đội trong công cuộc đổi mới. Đó là hiện nay, 100% thân nhân của quân nhân, thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại
ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; gần 250.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu được tổ chức quản lý. Đặc biệt từ khi chúng ta quyết định triển khai chính sách dành cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xuất ngũ về địa phương đã có hơn 260.000 người được hưởng chế độ. Trước đó, hơn 650.000 người đã được hưởng chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chến chống đế quốc Mỹ. Thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, đến nay đã có hơn 1 triệu người được hưởng chế độ, chính sách... Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công luôn được Đảng và Nhà nước thường xuyên coi trọng, là một nội dung biểu hiện sinh động của việc xây dựng hậu phương quân đội trong thời bình. Vì vậy, phải khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hậu phương quân đội luôn có vai trò quan trọng, là nhân tố thường xuyên tạo nền tảng trực tiếp cho mọi nhu cầu xây dựng trong đời sống của quân đội cả trong thời bình và thời chiến. Rõ ràng, trong thời bình, quân đội ta vẫn phải huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và công tác để hoàn thành tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất. Quan điểm, chính sách xây dựng hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước ta là bệ phóng, là nhân tố cơ bản để thường xuyên bảo đảm cho quân đội luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những kết quả xây dựng hậu phương quân đội những năm qua cũng chính là hiện thực sinh động nhất để đấu tranh, bác bỏ mọi quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái về vấn đề xây dựng hậu phương quân đội ở nước ta hiện nay.
Trong tình hình mới, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch đang áp dụng chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng xóa bỏ mọi thành quả cách mạng của nước ta. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề xây dựng hậu phương quân đội, cần phải xác định những đinh hướng nội dung và biện pháp tổng thể, phù hợp, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, định hướng nội dung cơ bản về xây dựng hậu phương quân đội, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
- Thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng ta về thực tiễn yêu cầu xây dựng, chiến đấu của quân đội trong thời bình để chủ động đề xuất, ban hành và thực hiện các chính sách đãi ngộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, đặc thù hoạt động và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.
- Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và tình hình ở các địa phương.
- Động viên mọi nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách đối với gia đình quân nhân đang phục vụ trong quân đội.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, ngành chính sách quân đội làm nòng cốt thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.
Hai là, định hướng giải pháp cơ bản đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ta xây dựng hậu phương quân đội hiện nay:
- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội trong tình hình mới.
Xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội là hai mặt của một vấn đề, thống nhất chặt chẽ với nhau, luôn hỗ trợ và tương tác lẫn nhau. Xây dựng là cơ sở để bảo vệ, có xây dựng tốt thì mới bảo vệ được và ngược lại, có bảo vệ tốt mới giữ vững phát huy được những thành tựu xây dựng hậu phương quân đội. Chiến tranh càng hiện đại, vai trò của nhân tố hậu phương quân đội càng tăng lên trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, các thế lực thù địch sẽ ngày càng chống phá quân đội ta quyết liệt hơn. Vì vậy, việc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ công tác xây dựng hậu phương quân đội càng trở nên cấp bách.
Xây dựng hậu phương quân đội cần chú trọng bảo đảm yêu cầu phải giữ vững ổn định chính trị, đó là tiền đề để xây dựng và phát triển hậu phương quân đội. Phải gắn với đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội để xây dựng hậu phương quân đội phù hợp. Quán triệt quan điểm dựa vào dân, dựa vào sức mình là chính, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong tăng cường củng cố quốc phòng, quân đội vững mạnh, trong đó có xây dựng hậu phương quân đội.
Bảo vệ hậu phương quân đội trước hết phải bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm và chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng hậu phương quân đội; bảo vệ những thành tựu xây dựng hậu phương quân đội trong công cuộc đổi mới. Đồng thời, nghiên cứu vạch rõ mọi âm mưu, thủ đoạn hiểm độc của các thế lực thù địch cấu kết với các phần tử cơ hội, bất mãn chống phá ta cả về lý luận và thực tiễn xây dựng hậu phương quân đội hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin chính thống để nhân dân hiểu rõ và luôn đề cao cảnh giác, không mắc mưu trước các thủ đoạn chống phá, kích động, phản tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Thực tiễn đã chỉ rõ, bảo vệ tốt là cơ sở bảo đảm cho hậu phương quân đội có một đời sống kinh tế, xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng, là điều kiện quan trọng để tiến hành công cuộc xây dựng củng cố quốc phòng, quân đội vững mạnh và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá ta về xây dựng hậu phương quân đội của các thế lực thù địch. Nếu chúng ta lơi lỏng việc bảo vệ sẽ không thể huy động được toàn bộ sức lực và trí tuệ của toàn dân để xây dựng hậu phương quân đội. Hơn nữa, một khi xây dựng hậu phương quân đội không tốt thì kẻ thù dễ lợi dụng chống phá ta, quân nhân không thể yên tâm phục vụ quân đội, ảnh hưởng lớn đến tâm thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội trong tình hình mới phải được coi là một bài học kinh nghiệm lớn và một giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về xây dựng hậu phương quân đội của ta hiện nay.
- Đảng và Nhà nước sớm hoạch định chiến lược và triển khai các kế hoạch xây dựng hậu phương quân đội phù hợp với tình hình mới.
Kinh nghiệm từ lịch sử giữ nước của dân tộc hàng nghìn năm qua cho thấy, để sẵn sàng chiến đấu chống lại các kẻ thù xâm lược lớn hơn gấp nhiều lần về sức mạnh kinh tế, quân sự, các thế hệ người Việt Nam phải dồn tâm lực vào các hoạt động quân sự để giành lại, giữ vững nền tự do, độc lập và vẹn toàn lãnh thổ. Để có thể vững vàng đối diện với chiến tranh, chiến thắng trong chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam phải xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh và phải có đường lối chiến lược, kế hoạch xây dựng hậu phương quân đội từ rất sớm, thực hiện trong cả thời chiến cũng như thời bình. Rõ ràng, nếu "không có đường lối đúng để xây dựng chỗ đứng chân vững chắc, để động viên và bồi dưỡng tiềm lực của nhân dân, của đất nước nhằm bảo đảm nguồn cung cấp sức người, sức của cũng như nguồn động viên, cổ vũ về chính trị, tinh thần thì không thể tiến hành được chiến tranh cách mạng lâu dài để cuối cùng giành lấy thắng lợi"
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng hậu phương quân đội và phát huy vai trò của nhân tố đó trong tiến trình giành thắng lợi quyết định của chiến tranh cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và đẩy mạnh hội nhập quôc tế, đất nước thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề mới đặt ra đối với xây dựng quân đội nói chung và vấn đề xây dựng hậu phương quân đội nói riêng. Vì vậy, để thực hiện tốt quan điểm của Đảng, "Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa"2, Đảng, Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, hoạch định chiến lược xây dựng hậu phương quân đội và triển khai các kế hoạch phù hợp với tình hình mới. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để vừa xây dựng niềm tin của nhân dân, phát huy nội lực trong nhân dân xây dựng hậu phương quân đội; đồng thời góp phần rất quan trọng làm thất bại mọi mưu đồ vin cớ để chống phá ta về vấn đề này của các thế lực thù địch trong nước cũng như quốc tế.
Việc hoạch định chiến lược xây dựng hậu phương quân đội cần quán triệt sâu sắc quan điểm "lòng dân" là nền tảng chính trị của hậu phương quân đội. Bởi vì, sức mạnh của hậu phương quân đội, trước hết và chủ yếu là ở "lòng dân"; gắn chiến lược xây dựng hậu phương quân đội với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; động viên sức dân để xây dựng hậu phương quân đội phải được tiến hành song song với củng cố sức dân, chăm lo đến đời sống nhân dân, "khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc". Đồng thời, chú trọng đề xuất và thực hiện các chính sách có tính đột phá, đãi ngộ phù hợp các lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quân đội và tham gia hội nhập quốc tế về quốc phòng, quân đội. Sự ủng hộ của toàn dân đối với chiến lược của Đảng và Nhà nước là nền tảng chính trị, tinh thần vững chắc để xây dựng hậu phương quân đội và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong xây dựng hậu phương quân đội, làm thất bại mọi quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh toàn diện không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng chuyên trách, mà là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và của toàn dân. Kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới đã chỉ rõ, khi toàn bộ hệ thống chính trị "vào cuộc" sẽ tạo thành sức mạnh và hiệu quả thực hiện chính sách đối với quân đội và xây dựng hậu phương quân đội, qua đó không để khoảng trống cho các thế lực thù địch len lỏi chống phá ta. Vì vậy, việc phát huy những thành tựu, kinh nghiệm trước đây, vận dụng phù hợp với tình hình mới, xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh, làm chỗ dựa bảo đảm cho việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội cần phải luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị một cách hiệu quả, thiết thực hơn, cả trước mắt và lâu dài.
Yêu cầu đặt ra đối với từng tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể là phải thực sự làm tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động xây dựng hậu phương quân đội theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải chú trọng phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách, chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; ưu tiên các chính sách động viên, khuyến khích đối với các lực lượng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, biên giới, biển, đảo, các lực lượng làm nhiệm vụ mới, có yêu cầu cao, phức tạp. Thực hiện có hiệu quả các vấn đề trên vừa là trách nhiệm, sự tri ân đối với cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, vừa là yêu cầu giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thông cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch chống phá ta về xây dựng hậu phương quân đội hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHÊ PHÁN NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 PHOTOGRAPHER NGUYỄN VĂN LUẬN ẢNH: CÂY TRÂM CÔ ĐƠN Ở HOÀ THÀNH